Thứ Sáu, 18/04/2014, 15:22 (GMT+7)
.

Thương binh tàn nhưng không phế

Anh Quởn sửa ti vi.
Anh Quởn sửa ti vi.

Đó là anh Nguyễn Văn Quởn (ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành). Trở về từ chiến trường Campuchia với đôi chân tàn phế (thương binh hạng ¼), ban đầu anh mang tâm trạng hoang mang, không còn tha thiết với cuộc sống; sau đó anh đã “vượt lên chính mình” bằng nghị lực “tàn nhưng không phế”.

Vừa học xong lớp 9, anh Nguyễn Văn Quởn xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, thuộc đơn vị Tiểu đoàn Thông tin của Mặt trận 979 - Quân khu 9.

Hơn 2 năm làm nghĩa vụ quốc tế, nhiều lần đi hành quân băng rừng vượt suối chiến đấu, bị sốt rét rừng hành hạ…, anh Quởn tưởng mình không còn có cơ hội để trở về sum họp với gia đình.

Năm 1989 khi leo lên cây để kéo dây băng qua suối, không may cây gãy, anh rơi từ trên cây xuống bãi đá, bị chấn thương cột sống, đôi chân bị liệt hoàn toàn.

Rời quân ngũ trở về với gia đình, lúc đầu anh mang tâm trạng u buồn, mặc cảm, không còn thiết tha với cuộc sống vì nghĩ rằng từ nay trở đi mình là người vô dụng, thậm chí làm phiền người thân, đã 2 lần có ý định tự kết liễu đời mình, may mà người thân kịp thời phát hiện, cản ngăn, động viên.

Nhìn ba mẹ ngày càng già yếu, anh nghĩ mình phải học một nghề nào đó để có thể tự nuôi sống bản thân. Ban đầu anh được người hàng xóm tốt bụng chỉ dẫn nghề sửa chữa điện tử, sau đó anh được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu đi học tại Trường Dạy nghề thương binh Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Sau 2 năm miệt mài học tập trên chiếc xe lăn, anh Quởn tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường giảng dạy, nhưng anh đã xin về quê mở tiệm sửa điện tử để được ở gần ba mẹ. Những chiếc máy cassette cũ, ti vi hư, qua tay anh đã hoạt động trở lại. Tiếng lành đồn xa, tiệm sửa điện tử của anh ngày một đông khách và có nhiều thanh niên đến xin học nghề, đến nay đã có hơn 10 người đã ra nghề, trong đó nhiều người có việc làm ổn định.

Năm 2004, anh Quởn được một công ty lắp ráp điện tử ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị làm đại lý bán hàng. Việc kinh doanh thuận lợi, anh mua lô đất bên cạnh, mở rộng cửa hàng điện tử Hoàng Quân, với nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh như ti vi, đầu máy, amply, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt... và thuê người phụ bán.

Khoảng năm 2000, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang thực hiện phóng sự về anh - người thương binh tàn nhưng không phế. Chính phóng sự đó mà vợ anh bây giờ (lúc đó dạy học ở TX. Gò Công) đã đến tìm hiểu anh. Mặc cảm thương tật, ban đầu anh không dám nghĩ đến việc có người yêu hay lập gia đình.

Chính nghị lực “vượt lên chính mình” và tính tình hiền lành, thật thà, chị Hồ Thị Phương Uyên đồng ý cùng anh nên duyên chồng vợ.  Hiện tại, anh chị có 2 cậu con trai kháu khỉnh. Anh Quởn khoe: “Cậu con trai lớn 6 tuổi, học mẫu giáo, hôm nay đi thi “Bé khỏe - Bé ngoan” và đứa nhỏ 3 tuổi. Cả 2 rất ngoan. Vợ tôi đang dạy học tại Trường Tiểu học Song Thuận. Tôi ở nhà sửa điện tử và bán hàng”.

Năm 2012 anh là người duy nhất của tỉnh được cử đi Hà Nội báo cáo điển hình về người khuyết tật vượt khó. Anh vừa được tặng căn nhà tình nghĩa, giúp anh thêm vững bước trên chính đôi chân tàn phế của mình.

P. MAI

.
.
.