Thứ Sáu, 21/11/2014, 14:24 (GMT+7)
.

Cựu tù kháng chiến: Trong tù trung kiên, bất khuất-ngoài đời tình nghĩa, thủy chung

Trong tập “Nhật ký trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài… Vật chất tuy đau khổ - Không nao núng tinh thần”. Đó cũng chính là tâm trạng, nỗi niềm của những cựu tù kháng chiến đã một thời làm theo tấm gương của Bác và luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn - Gạo giã xong rồi trắng tựa bông - Sống ở trên đời người cũng vậy - Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến huyện Chợ Gạo nhiệm kỳ II (2014 - 2019).
Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến huyện Chợ Gạo nhiệm kỳ II (2014 - 2019).

Trao đổi về hoạt động của Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh, ông Ngô Đình Sang (Năm Sang), Trưởng ban Liên lạc đã dùng những vần thơ trong “Ngục trung nhật ký” của Bác để mở đầu câu chuyện. Giờ đây, những cựu tù kháng chiến tuổi cao, sức yếu vẫn mong muốn được tiếp tục đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và xây dựng quê hương.

Được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngày 19-3-2010 Đại hội đại biểu Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến lần thứ Nhất được tổ chức, đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của hầu hết cựu tù kháng chiến muốn được tiếp tục cống hiến, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng với tinh thần “Sống trong tù trung kiên, bất khuất - Sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”.

Ông Ngô Đình Sang, Trưởng ban  Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh.
Ông Ngô Đình Sang, Trưởng ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh.

Qua 1 nhiệm kỳ, tổ chức Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến đã được thành lập phủ kín địa bàn từ tỉnh xuống đến các xã, phường, thị trấn với 2.168 hội viên, sinh hoạt tại 136 ban liên lạc (có 27 xã, phường không có cựu tù hoặc có nhưng số lượng cựu tù ít nên thành lập ghép từ 2 - 3 xã, phường, thị trấn liền kề thành 1 ban liên lạc hoặc tổ liên lạc; trong đó huyện Tân Phú Đông mới thành lập Tổ Liên lạc Cựu tù kháng chiến cấp huyện).

Hoạt động của các ban liên lạc từng bước đi vào nền nếp, nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng như:

Tập trung tuyên truyền, vận động cựu tù kháng chiến thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần;

Khảo sát, điều tra những trường hợp cựu tù đủ điều kiện để đề nghị hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; tổ chức về nguồn, họp mặt ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên trung của các cựu tù trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc;

Kể chuyện những tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của các cựu tù để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; vận động cựu tù và gia đình tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền và thành quả cách mạng ở địa phương, cơ sở.

Nhiệm kỳ qua, ban liên lạc các cấp tiến hành khảo sát, điều tra, phát hiện 1.600 cựu tù và đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 1.078 trường hợp (trong đó có 995 trường hợp chưa được công nhận); giải quyết cho 83 cựu tù đủ điều kiện hưởng chế độ, chính sách.

Ngoài ra, vận động từ các nguồn được gần 3 tỷ đồng, xây dựng mới 121 căn nhà và sửa chữa 35 căn; vận động hội viên đóng góp và tổ chức thăm hỏi 392 lượt cựu tù ốm đau, bệnh tật hoặc từ trần với số tiền gần 75 triệu đồng; tổ chức về nguồn thăm lại chiến trường xưa, họp mặt truyền thống được 428 cuộc, với 12.138 lượt người tham dự…

Từng theo Đảng công tác, chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc, những cựu tù kháng chiến sau khi được ra tù lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhiều cựu tù đã trưởng thành, giữ nhiều chức vụ quan trọng, chủ chốt của Đảng và Nhà nước như:

Bà Trương Mỹ Hoa làm Phó Chủ tịch nước; ông Đỗ Tấn Minh làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh… Trở về với cuộc sống đời thường, các cựu tù lại sát cánh bên nhau trong câu lạc bộ, tiếp tục đóng góp sức mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

.
.
.