Một tấm lòng nối nhịp đạo - đời
Là vùng quê cách trở đò ngang, hệ thống kinh rạch chằng chịt nhưng xã Tân Phong, huyện Cai Lậy hôm nay đã có đổi thay đáng kể về giao thông nông thôn khi những tuyến đường dal, cầu bê tông khang trang nối liền các ấp và nhiều ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được xây dựng. Góp sức cho những công trình ấy có tấm lòng ông Trương Văn Nghiệp (sinh năm 1947), Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo của xã.
Ông Trương Văn Nghiệp (phải) khảo sát chất lượng xây dựng nhà tình thương cho chị Trần Thị Phụng, là hộ nghèo ở ấp Tân Thái, xã Tân Phong. |
Là một cù lao giữa sông Tiền, xã Tân Phong được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhưng hệ thống kinh rạch chằng chịt là trở ngại lớn nhất trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con bằng đường bộ. Đặc biệt, cù lao Tân Phong có 4 cồn nhỏ nằm tách rời là: Cồn Đại Diện, cồn Tre, cồn Ngậm và cồn Bầu. Muốn đến trung tâm xã, bà con ở những cồn này phải sử dụng xuồng, ghe hoặc phà nhỏ.
Sinh sống tại cồn Đại Diện (ấp Tân Thái) đã hơn 40 năm, ông Trương Văn Nghiệp hiểu những nhọc nhằn của người dân nơi đây khi giao thông bị chia cắt. Ngày ông về lập nghiệp, khu vực cồn Đại Diện chỉ vài căn nhà vách lá đơn sơ, nhà nối nhà bằng đường đất nhỏ hẹp men theo vườn cây ăn trái.
Theo thời gian, cồn Đại Diện ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà tường khang trang, kiên cố, có điện thắp sáng, nước máy sinh hoạt nhưng điều kiện giao thông vẫn chưa cải thiện. Chiếc cầu nối đôi bờ sông nhiều năm qua không chỉ là ước mơ của riêng ông Nghiệp, mà là của tất cả bà con trong khu vực.
Trăn trở với khó khăn trong giao thông, trong 2 năm 2013 và 2014, ông Trương Văn Nghiệp cùng chính quyền và các đoàn thể xã đã vận động các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đóng góp kinh phí trên 1 tỷ đồng xây dựng cầu 19 tháng 5 nối cồn Đại Diện với trung tâm xã và sau đó là cầu 30 tháng 4 (ấp Tân Thiện) để người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Những chiếc áo trắng tung tăng cắp sách đến trường, các chuyến hàng được chở bằng xe máy chạy bon bon trên mặt cầu làm không khí đôi bờ nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên.
Không chỉ vận động kinh phí, ông Nghiệp còn tham gia giám sát tiến độ, chất lượng thi công. Với ông, hiệu quả công việc phải đi cùng với lòng tin của người dân. Kinh phí xây dựng các cây cầu giao thông đều được công khai các khoản thu chi phần người dân đóng góp, phần Nhà nước hỗ trợ và phần do ông vận động...
Với vai trò Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Phong, ông Trương Văn Nghiệp còn vận động các tín đồ thực hiện các hoạt động đạo sự theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những năm qua, bà con tín đồ ở xã Tân Phong đều cần kiệm làm ăn, kinh tế gia đình ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Bà con còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, hoạt động xã hội - từ thiện luôn được ông Trương Văn Nghiệp và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã quan tâm.
Chỉ tính trong năm 2014, ông Nghiệp đã vận động trên 30 tấn thuốc Nam cho hoạt động các tổ thuốc Nam từ thiện trong và ngoài tỉnh, trên 240 triệu đồng quà tặng cho hộ nghèo, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, đường giao thông nông thôn... trên địa bàn xã.
Với ông Trương Văn Nghiệp, đóng góp cho nơi cư trú có thêm đổi thay trong xây dựng nông thôn mới, ấm lòng hộ nghèo với những phần quà hỗ trợ hay những căn nhà vững chắc giúp ông tin tưởng hơn vào công việc đang làm, nối nhịp đạo - đời theo tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Phong nhận xét: “Những năm qua, ông Trương Văn Nghiệp đã góp sức cùng chính quyền và các đoàn thể xã chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn, xây dựng cầu, đường giao thông để hệ thống giao thông trên địa bàn xã thuận lợi hơn và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện kinh phí vận động của xã còn khó khăn, việc làm của ông Trương Văn Nghiệp thật đáng trân trọng!”.
TRƯỜNG GIANG