Vươn lên nhờ nguồn vốn của Hội
Những năm gần đây, công tác hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy đặc biệt quan tâm. Qua cầu nối là Hội LHPN cơ sở, hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và góp vốn phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, có điều kiện vươn lên.
Từ nguồn vốn của Hội LHPN, nhiều hội viên phụ nữ huyện Cai Lậy đã có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. |
Căn nhà vững chắc như hiện nay là thành quả bao năm miệt mài vượt khó của vợ chồng bà Nguyễn Thị Bửu (hội viên phụ nữ ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên). Trước đây, kinh tế gia đình bà Bửu hết sức khó khăn do ít đất sản xuất, lò rèn của gia đình hoạt động cầm chừng, 2 con đang tuổi ăn học. Thời điểm cải tạo vườn chuyển sang chuyên canh sầu riêng, vợ chồng bà gặp khó khăn khi không có chi phí chăm sóc vườn.
Sinh hoạt tại Chi hội phụ nữ ấp Mỹ Lương, bà được chị em trong “Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo” cho mượn vốn không tính lãi. Số vốn 2 triệu đồng không nhiều nhưng giúp vợ chồng bà mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc vườn cây, không phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Cần cù lao động, chi tiêu hợp lý, kinh tế gia đình bà Bửu dần vượt qua khó khăn.
Vợ chồng bà còn tích lũy để cất căn nhà tươm tất. Bà Bửu chia sẻ: “Cũng nhờ chị em trong chi hội giúp đỡ, tôi mới có điều kiện cải thiện thu nhập gia đình. Giờ thì các con đều có công ăn việc làm ổn định. Không có sự hỗ trợ của chị em trong chi hội, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát nghèo”.
Ngoài hình thức góp vốn xoay vòng, các cấp Hội LHPN huyện Cai Lậy còn tranh thủ vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng, dự án hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Nhiều hội viên đã có điều kiện vươn lên, điển hình như bà Nguyễn Thị Quyên (hội viên phụ nữ ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Đức).
Thông qua Hội LHPN xã, bà được vay 5 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang” để chăm sóc vườn chanh đang cho thu hoạch và tiếp tục chuyển đổi diện tích đất ruộng lên vườn chuyên canh sầu riêng.
Bà cho biết: “Được vay 5 triệu đồng, tôi đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn chanh và sầu riêng. Đồng vốn của Hội đã tạo điều kiện để tôi xoay xở trong lúc kinh tế gia đình khá khó khăn trong buổi đầu chuyển đổi cây trồng”.
Huyện Cai Lậy hiện có trên 19.000 hội viên phụ nữ đang tham gia sinh hoạt tại 16 cơ sở hội, đây là lực lượng nòng cốt trong nhiều hoạt động, phong trào do các cấp Hội LHPN phát động. Qua thống kê của Hội LHPN huyện Cai Lậy, năm 2013, huyện còn 1.346 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trên 6.000 hội viên diện hộ nghèo và cận nghèo.
Bên cạnh ít đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn là nguyên nhân khiến chị em khó có cơ hội vươn lên. Với vai trò cầu nối, các cấp Hội LHPN huyện Cai Lậy đã vận động hội viên hỗ trợ nhau thoát nghèo qua nhiều hình thức góp vốn. Toàn huyện đã tổ chức 1.121 tổ góp vốn xoay vòng, tổ góp xi măng theo vụ lúa, nuôi heo đất tiết kiệm, tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo… số tiền huy động 13,6 tỷ đồng hỗ trợ hội viên diện hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ.
Ngoài ra, vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang do Hội LHPN các cấp quản lý trên 38 tỷ đồng, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, các hình thức trợ vốn sản xuất còn tạo sự gắn bó giữa hội viên với tổ chức hội, hội viên với hội viên và giảm nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Từ hình thức giúp vốn sản xuất của các cấp hội và sự cần cù, ý chí vượt khó, cuối năm 2014, có 340 hội viên phụ nữ đã vượt qua khó khăn, ổn định
cuộc sống.
Bà Lê Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Hoạt động cho vay vốn, vận động hội viên góp vốn giúp nhau giảm nghèo của các cấp Hội LHPN huyện thời gian qua đã tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện tiêu chí “không đói nghèo” của phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Trong hoạt động trợ vốn, chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay, hiệu quả nguồn vốn và nhu cầu thực tế của chị em. Các cấp hội luôn xác định đời sống kinh tế được nâng cao là điều kiện để hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, có điều kiện chăm sóc gia đình và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội”.
QUẾ NGÂN