Thứ Sáu, 10/07/2015, 15:14 (GMT+7)
.

Dự án Heifer: Từng bước giúp nông dân thoát nghèo

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông” đã giúp nhiều người dân vùng cù lao nhiễm mặn có điều kiện mưu sinh, mở mang ngành nghề, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án trong năm 2015 - 2017.

Tổ chọn bò giống đến tận cơ sở cung cấp chọn từng con bò, tiêm phòng, sau đó mới vận chuyển về vùng dự án và cấp cho bà con.
Tổ chọn bò giống đến tận cơ sở cung cấp chọn từng con bò, tiêm phòng, sau đó mới vận chuyển về vùng dự án và cấp cho bà con.

Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông” (gọi tắt dự án Heifer) là sự hợp tác giữa tổ chức Heifer tại Việt Nam (HVN), Tổ chức liên minh Na-Uy tại Việt Nam (NMA) và UBND tỉnh, nhằm hỗ trợ nông hộ nghèo cải thiện thu nhập.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2013 - 2017) với tổng kinh phí 16 tỷ đồng, trong đó HVN 4 tỷ đồng, NMA 4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 4 tỷ đồng và đóng góp của người dân (đất, công lao động, cơ sở chăn nuôi...) tương đương 4 tỷ đồng.

Mỗi hộ nông dân được chọn theo tiêu chí sẽ được Ban Quản lý (BQL) dự án cấp phát 1 con bò cái tơ, 1 triệu đồng/hộ tiền xây chuồng trại và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Trong giai đoạn 1 (2013 - 2015), dự án triển khai tại xã Phú Thạnh và xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông), đây là 2 xã có điều kiện tự nhiên rất khó khăn, thường xuyên đối mặt với hạn, mặn và biến đổi khí hậu gay gắt.

Theo BQL dự án Heifer, trong giai đoạn 1, dự án đã chọn 330 hộ (thuộc xã Phú Thạnh và xã Phú Đông) tham gia 13 nhóm tương trợ với tổng số bò cái tơ được cấp là 330 con (mỗi hộ 1 con bò cái tơ, trị giá khoảng 12 triệu đồng/con) theo hình thức cho mượn.

Khi bò sinh sản, mỗi hộ trả lại 1 con bê để dự án tiếp tục cho hộ nghèo khác mượn nuôi, còn bò mẹ được giữ lại làm tài sản của gia đình. Dự án còn hỗ trợ 92,2 triệu đồng cho 4 hộ mua 4 con bò đực để phối giống cho đàn bò cái và bò của các hộ xung quanh.

Cũng trong khuôn khổ dự án, BQL dự án đã tổ chức 171 lớp tập huấn với hơn 4.000 lượt người tham gia nhằm nâng cao kỹ năng chăn nuôi, tổ chức xây dựng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, điều hành và quản lý kinh tế nông hộ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi; giới thiệu đến bà con nông dân mục đích, ý nghĩa, tiêu chí chọn hộ, vùng tham gia dự án…

Tổ chức cho các hộ nông dân tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các dự án ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Long An gồm 4 đợt với 152 lượt người tham gia; tổ chức sinh hoạt tập thể nhân các ngày lễ, kỷ niệm như: Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)…

Ông Phạm Văn Nghi, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên BQL dự án Heifer cho biết: “Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã giúp 325 hộ ở các xã nghèo của huyện Tân Phú Đông có nghề chăn nuôi bò tương đối ổn định.

Có trên 90% số lượng bò giao cho nông hộ chăn nuôi sinh sản tốt, hiện có 149 hộ có bê con và 125 hộ có bò đang mang thai. Đa số các hộ tham gia dự án đã có 1 con bò cái đạt yêu cầu về chất lượng giống với giá trị trung bình từ 30 - 35 triệu đồng/con.

Tính đến tháng 6-2015, dự án đã giải ngân 6,3/12 tỷ đồng, đạt 52,89% so kế hoạch. Ngoài ra, nông dân tham gia dự án được khuyến khích gây quỹ tiết kiệm để hỗ trợ nhau về vốn, giúp nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Từ khi thành lập nhóm và đi vào hoạt động đến nay, tổng quỹ tiết kiệm của 13 nhóm tương trợ trong khuôn khổ dự án đạt 259 triệu đồng”.

BQL dự án Heifer tổ chức cấp bò cho bà con 2 xã  Phú Thạnh và Phú Đông.
BQL dự án Heifer tổ chức cấp bò cho bà con 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông.

Theo đánh giá của BQL dự án, dù đạt được những kết quả khả quan, song vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Thành viên BQL dự án, cộng tác viên từ tỉnh đến xã đều là cán bộ kiêm nhiệm, thời gian tập trung cho dự án không nhiều, đa phần là ở xa địa bàn triển khai dự án, trong khi kinh phí đi lại rất hạn chế nên đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ và kết quả dự án.

Mặt khác, vẫn còn một số hộ dân thực hiện việc chăm sóc, theo dõi bò chưa tốt dẫn đến hao hụt bò. Cụ thể, trong quá trình nuôi đã có 18 con bò bị loại thải do sự cố, tai nạn hoặc bệnh chết, chiếm tỷ lệ 5,45%. Dự án cũng đã hỗ trợ từ nguồn kinh phí dự phòng để mua cấp lại 3 con, 10 hộ tự bù tiền để mua 10 con và tiếp tục tham gia dự án, 5 hộ xin không tham gia dự án tiếp do đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc...

Còn theo bà con 2 xã Phú Thạnh, Phú Đông thì hiện nay điều bà con lo lắng nhất là giá bê đực xuống thấp hơn bê cái từ 3 - 5 triệu đồng/con, hiện tỷ lệ bò đẻ bê đực chiếm khoảng 50% (73 bê đực và 76 bê cái). Điều này khiến bà con gặp khó khăn trong việc mua/đổi bê cái để chuyển giao cho những hộ dân nghèo tiếp theo, do hầu hết bà con đều nghèo không có tiền để bù mua/đổi bê cái. Mặt khác, một số hộ bò phối nhiều lần nhưng chưa lên giống khiến bà con rất lo lắng…

Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết: “Nhìn chung, dự án Heifer đang đi vào đời sống, giúp bà con vùng đất khó ổn định sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do một số bà con ý thức chưa tốt việc đi họp nghe tuyên truyền về dự án, cũng như kỹ thuật chăn nuôi bò nên dẫn đến hao hụt bò.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã tuyên truyền tốt cho nông dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, cũng như ý nghĩa, mục đích của dự án để các hộ nhận thức đúng đắn, tránh ỷ lại, tự vươn lên thoát nghèo.

Đối với những trường hợp đã phối nhưng chưa lên giống, bà con phải nhanh chóng thông báo đến BQL dự án Heifer, đề nghị anh em trong BQL dự án, nhất là lực lượng thú y theo dõi sát sao suốt quá trình sinh sản của bò, kịp thời hỗ trợ cho bà con.

Còn về việc bà con lo lắng giá bê đực đang giảm so với bê cái, BQL dự án Heifer cũng cho biết sẽ nghiên cứu giải pháp, có thể lấy nguồn kinh phí vốn vay NMA hỗ trợ bà con có bê đực nuôi thêm 7 - 8 tháng nữa chờ bò lên giá sẽ bán bò thịt; đồng thời khảo sát chọn nhà cung cấp bò cái để giúp nông hộ có bò đực mua/đổi và chuyển giao cho các nhóm mới mở rộng theo đúng tiến độ”.

HOÀI THU

.
.
.