Thứ Tư, 08/07/2015, 14:14 (GMT+7)
.

Thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ còn nhiều sức cản

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, nhất là vùng nông thôn, việc triển khai quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện, đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động, thể hiện ở tinh thần tiết kiệm, văn minh, tiến bộ.

Nhiều gia đình, dòng họ tự giác tiếp thu và tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang theo tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Một số mô hình mới về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang bước đầu phát huy hiệu quả, được dư luận nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu và cả tệ nạn xã hội lại tái xuất, tạo sức cản không nhỏ cho việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở nông thôn.

Trước hết, phải kể đến chuyện “ngày giờ”. Đa số người Việt đều có tín ngưỡng tâm linh và quan niệm “có kiêng có lành”, nên khi trong gia đình có người thân qua đời thì công việc đầu tiên của họ là đi tìm “thầy” để xem ngày giờ tẩn liệm, động quan, hạ huyệt…; kể cả một số gia đình theo các tôn giáo có nguồn gốc phương Tây vốn không xài âm lịch cũng không ngoại lệ. Mà đã đến các “thầy” để xem thì bao giờ người chết cũng phải quàn lại một thời gian, có khi đến 4 - 5 ngày, bất kể người chết do nguyên nhân gì, có do mắc phải một trong những căn bệnh truyền nhiễm hay không.

Thật ra, cũng có nhiều trường hợp bản thân người quá cố có di ngôn và tang chủ cũng rất muốn chôn cất người thân trong vòng 48 giờ hoặc hơn một chút, nhưng do bị sức ép của những người anh em, họ hàng thân tộc và của cả xóm giềng bằng những lý do thuộc về mê tín như “kỵ tuổi” hoặc đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”… cuối cùng cũng đành phải xuôi theo đám đông.

Hệ lụy của việc kéo dài thời gian của một đám tang như thế nào thì đã rõ, không chỉ gây thêm tốn kém, cực nhọc cho gia đình mà còn gây phiền phức cho xóm giềng, nhất là vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn do các dàn nhạc lễ lai căn, nhạc kèn Tây trong các đám tang.

Trước đây, thông thường những đám không chấp điếu hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế đều không đãi ăn uống và đương nhiên cũng không có chuyện nhậu nhẹt, khách đến viếng chỉ dùng trà nước. Bây giờ thì hầu như ngược lại, không chấp điếu vẫn bày cỗ hoành tráng, có thể là cỗ mặn hoặc chay nhưng rượu thì không thể thiếu.

Đám nào cũng hàng trăm lít rượu cho cả những ngày quàn và sau khi chôn cất. Thậm chí có đám tang thuê cả dịch vụ nấu ăn, có cả phục vụ chạy bàn chẳng khác gì những tiệc tùng, liên hoan khác. Tất nhiên cũng không loại trừ những trường hợp xảy ra ẩu đả, gây mất trật tự xã hội do say rượu ở các đám tang.

Về vấn nạn đốt và rải vàng mả, một đám tang tiêu tốn ít nhất mấy trăm ngàn đồng, thậm chí có đám hàng triệu đồng cho việc mua vàng mả. Số vàng mả này một phần để đốt và trước khi đốt phải huy động 3 - 4 người ngồi viết tên người chết vào từng tấm giấy tiền âm phủ, từng “thỏi vàng”, “miếng bạc”… để ở cõi âm người thân dễ nhận và nhận đủ, còn phần lớn là dùng để rải dọc đường đưa quan tài từ nhà ra huyệt mộ.

Đi xe thì rải theo kiểu đi xe, đi bộ thì rải theo kiểu đi bộ, không phải rải từng tấm mà tung cả tệp như trong phim Tàu. Khoảng cách đường càng xa thì lượng vàng mả càng nhiều, chỗ nào cũng dày đặc với quan niệm “thí” nên càng nhiều thì càng tốt. Đã có trường hợp gây tai nạn giao thông vì người đi xe máy bị giấy vàng mả bay tấp vào mắt bất ngờ làm lạc tay lái đâm vào người khác.

Không thể không nói đến sự biến tướng ngày càng kỳ dị của nhạc lễ trong các đám tang. Ngoài chuyện gây ồn về âm thanh, nó còn tạo ra sự phản cảm khi họ sử dụng nhiều bản nhạc của những bài hát có nội dung không phù hợp.

Có đám còn có cả nhạc sống với nhiều anh chị “pê-đê” về hò hát, nhảy nhót suốt, nhất là vào ban đêm. Ngoài ra, gần đây, hầu như đám tang nào cũng có người - có cả nam và nữ, sắm vai tướng cướp đánh phá quàn “cướp quan tài” bằng cả một tuồng hát nho nhỏ. Đương nhiên, phần này tang chủ phải tốn thêm 5 - 7 trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Nhức nhối nhất là hầu như có đến trên 90% các đám tang đêm nào cũng có đánh bạc ăn tiền dưới hình thức chơi bài Tây từ bài cào 3 lá, binh 6 lá cho đến binh xập sám, kéo xì-zách… Viện lý do “chơi cho anh em thức cùng tang chủ, hơn thua bao nhiêu” nên những sòng bạc như thế này mặc nhiên được tồn tại trong các đám tang như một sự “hợp đạo lý”, cho nên cơ quan chức năng ở cơ sở cũng làm ngơ.

Lợi dụng “ưu thế” đó, nhiều tay đánh bạc chuyên nghiệp hễ nghe ngóng ở đâu có đám tang là tìm đến để “hành nghề”, được phục vụ “cháo đêm” miễn phí, lại được tiếng là có lòng chia sẻ với tang gia (!). Nói là “chơi để thức cùng tang chủ” nhưng thật ra cũng là sự sát phạt ăn thua mà hậu quả của nó là có người trắng tay, ít thì vài trăm ngàn đồng, nhiều thì vài triệu đồng và cũng không tránh khỏi xảy ra chuyện cay cú, gây gổ, thậm chí đánh nhau.

Nói chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nếp sống văn minh trong việc tang nói riêng ở các địa phương trong tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hủ tục tồn đọng từ lâu chưa kịp khắc phục, lại có thêm nhiều biến tướng không hay tạo ra những sức cản không hề nhỏ.

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được củng cố, phát triển và đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó có vấn đề thực hiện việc tang tiết kiệm, văn minh, tiến bộ, thiết nghĩ các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng chất các giải pháp, đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, nhân rộng các mô hình hay đi đôi với tăng cường công tác quản lý hành chính, xử phạt nghiêm đối với những hành vi như đánh bạc, nhậu say gây rối, những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường (quàn quan tài lâu ngày; ô nhiễm tiếng ồn, rác, bụi, khói do đốt và rải vàng mả…), các hình thức hoạt động có tính chất mê tín dị đoan… trong các đám tang.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.