Nhà ở cho công nhân, lao động: Bài toán chưa có lời giải
Tỉnh Tiền Giang hiện có 4 khu công nghiệp (KCN), 4 cụm công nghiệp (CCN) và hàng trăm doanh nghiệp (DN), nhà máy đang hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 146.379 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có 90.800 công nhân, lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các KCN, CCN. Do đó, nhu cầu về nhà ở của CNLĐ hiện nay rất lớn nhưng “bài toán” này vẫn chưa có lời giải.
Một khu nhà trọ cho công nhân thuê ở ấp Bình Tạo A, xã Trung An (TP. Mỹ Tho). |
Thực tế về chỗ ở của CNLĐ hiện nay
Qua gần 2 ngày đi khảo sát thực tế tại các khu nhà trọ (KNT) ở các xã Tân Hương (huyện Châu Thành), Trung An, Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) - Đây là các KNT ở gần KCN Tân Hương, KCN Mỹ Tho, CCN Tân Mỹ Chánh, CCN Trung An - chúng tôi nhận thấy số lượng nhà ở cho CNLĐ thuê được xây dựng rất nhiều, với giá cho thuê từ 500.000 - 800.000 đồng/phòng/tháng, tùy vào diện tích và vị trí xa hay gần các KCN, CCN.
Các KNT này được hình thành trên cơ sở tự phát, theo nhu cầu của người lao động. Nhằm mục đích thu hồi vốn nhanh và có lợi nhuận nên rất ít hộ kinh doanh nhà trọ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời không phải nơi nào cũng bảo đảm điều kiện an ninh cho công nhân. Ở nhiều KNT, công nhân phải sống cùng với nhiều đối tượng xã hội rất phức tạp.
Đa số CNLĐ lựa chọn nơi tá túc sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc là những căn phòng trọ nhỏ, chật chội, được xây dựng đơn sơ, với mái tôn, nền gạch, thậm chí có KNT xuống cấp, mưa dột hay bị nước ngập... Theo nhiều công nhân, với đồng lương eo hẹp, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao, những căn phòng trọ nhỏ nhưng có giá vừa phải là mục tiêu lựa chọn hàng đầu của họ về chỗ ở.
Chị Trần Thị Thắm (quê ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), công nhân Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Industrial - Chi nhánh Mỹ Tho (CCN Trung An, TP. Mỹ Tho) cho biết:
“Với mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng, nếu muốn có chút dư giả bắt buộc chúng tôi phải lựa chọn những căn phòng trọ giá rẻ. Mà đã rẻ thì đồng nghĩa chất lượng nhà trọ không tốt, chẳng hạn như phòng nhỏ, không có nhà vệ sinh riêng... Không những vậy, một căn phòng trọ chỉ khoảng 15 - 20m2, với giá cho thuê từ 600.000 - 800.000 đồng/phòng/tháng, chúng tôi còn phải ở ghép từ 3 - 4 người để giảm chi phí”.
Hay như trường hợp của vợ chồng anh Trần Trung Nghĩa và chị Nguyễn Thị Thu Điểm, quê ở tỉnh Vĩnh Long sang Tiền Giang làm công nhân được 3 năm. Hiện anh chị phải thuê chỗ trọ ở một KNT tại ấp Bình Tạo A, xã Trung An (TP. Mỹ Tho), với chi phí mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ chật hẹp, chị Điểm cho biết: “Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho việc thuê nhà đã chiếm hơn 10% thu nhập. Dẫu biết rất khó khăn nhưng cũng phải cố gắng, chỉ mong sao công ty hay Nhà nước xây dựng nhà ở để giảm bớt chi phí, đỡ gánh lo cho công nhân”.
Thực tế cho thấy, để có chỗ ở, đa số CNLĐ đang làm việc tại các KCN, CCN, các DN, nhà máy trên địa bàn tỉnh hiện nay đều phải thuê nhà trọ của tư nhân, với giá thuê từ 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ cho thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2 - 3m2/người), với điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm. Trong khi mức thu nhập bình quân hàng tháng của CNLĐ còn thấp, khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN, CCN. Chính vì vậy, việc giải quyết chỗ ở ổn định cho CNLĐ đang là vấn đề rất cấp bách và cần thiết.
Xây dựng nhà ở công nhân còn gặp khó!
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1 DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân (CN) thuê và 5 DN xây dựng nhà ở cho CN, giải quyết chỗ ở cho gần 2.000 CN. Hiện nhà ở dành cho CN chủ yếu là do DN tự mua đất đầu tư xây dựng và con số này chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Là địa phương đã quy hoạch xây dựng phát triển khá sớm các KCN, CCN, tuy nhiên, cũng giống như phần lớn các địa phương khác trong cả nước, Tiền Giang vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề nhà ở cho CN. Mặc dù đã có các quy định của Chính phủ, của tỉnh về chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho CN, nhưng do quy mô và vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư thấp, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nên rất ít DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho CN. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của tỉnh hạn chế... nên việc hỗ trợ và thực hiện các ưu đãi đối với dự án là rất khó khăn.
Trước đây khi phê duyệt dự án KCN Mỹ Tho, tỉnh chưa dành quỹ đất để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho CN. Riêng KCN Tân Hương, KCN Long Giang, mặc dù có bố trí quỹ đất nhưng hiện nay chưa có vốn hoặc chưa thu hút nhà đầu tư xây dựng, do đầu tư xây dựng nhà ở cho CN hiệu quả không cao, thu hồi vốn chậm hoặc chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... nên các DN cũng không mặn mà đầu tư.
Theo nhận định của một số ngành chức năng của tỉnh, những nguyên nhân gây khó khăn cho các DN trong việc xây nhà ở cho CNLĐ là do không có quỹ đất và thiếu kinh phí, ngay khả năng về tài chính của các DN vẫn còn giới hạn. Ngoài ra, đối với một số DN có số lượng CNLĐ quá đông, không thể đáp ứng nổi nhu cầu nhà ở.
Giá đất ngày càng cao và không ngừng tăng là rào cản lớn nhất hiện nay đối với các DN muốn xây dựng nhà ở cho công nhân. Công ty cổ phần May Tiền Tiến đã mua 2 ha đất ở ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) để xây nhà ở cho CN từ năm 2007, nhưng do công ty chưa có đủ kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng được.
Vì nhiều nguyên nhân mà các dự án nhà ở cho CN bất thành. Do đó, CN đa phần vẫn chưa có nơi an cư. Chính vì vậy môi trường sống của CN cơ bản chưa bảo đảm cho yêu cầu tái tạo sức lao động, mà một phần quan trọng là nhu cầu nhà ở.
Trước thực trạng đó, với vai trò, chức năng là đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ, vào tháng 4-2014, từ Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đề án Xây dựng nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp, hy vọng sẽ sớm được xem xét giải quyết.
Những dự án nhà ở cho CN là những dự án nhân văn, góp phần an cư cho CN đang làm việc tại các KCN, CCN, các DN trên địa bàn tỉnh. Nhưng có thể thấy, cùng với việc không mặn mà đầu tư của các DN vào lĩnh vực xây dựng nhà ở cho CN là tình trạng CNLĐ “chưa an cư” ngày càng nhiều, đã khiến cho câu chuyện về nhà ở cho CN đang “nóng” lên cùng với sự phát triển về quy mô, số lượng các KCN, CCN của tỉnh. Và “giấc mơ” về một khu nhà ở ổn định cho CN theo mô hình hiện đại, tập trung, có đầy đủ các thiết chế văn hóa, tinh thần vì thế cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực!
HỮU NGHỊ