Bác Hồ sống mãi trong lòng người dân Tiền Giang
Để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người dân Việt Nam nói chung và người dân Tiền Giang nói riêng đã có những việc làm chân thành bằng cả trái tim của mình.
SƯU TẦM VÀ LƯU GIỮ ẢNH BÁC
Với 47 năm sưu tầm và gìn giữ 82 bức ảnh của Bác Hồ, ông Lê Văn Tây (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy) luôn được các phương tiện truyền thông giới thiệu vào những dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác (19-5).
Ông Lê Văn Tây bên bộ sưu tập ảnh Bác. |
Ông bắt đầu sưu tầm ảnh Bác vào khoảng năm 1969 - 1970 khi được người bạn tặng 2 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sợi, dệt nổi đen trắng mang về từ Hà Nội. Ông đã mang 2 bức ảnh này theo suốt bên mình trong những năm tháng tham gia cách mạng.
Để bảo quản bức ảnh khỏi sự càn quét ác liệt của địch trong kháng chiến chống Mỹ, ông xếp 2 bức chân dung Bác cho vào bao nilon rồi cất vào thùng đạn; có lúc phải dìm chiếc thùng đạn ấy xuống ao, đôi khi phải đào đất chôn. Cũng trong giai đoạn này, ông còn được bạn bè tặng một bộ ảnh Bác với 40 tấm, khổ 15x20 cm.
Năm 1976, ông tìm mua thêm bộ ảnh Bác (40 tấm, khổ 30x40 cm) khi đi dự hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh. Vào dịp tết và dịp sinh nhật Bác, ông lấy ảnh Bác ra treo khắp nhà, mọi người trong xóm rủ nhau đến xem ảnh Bác. Hiện ông chỉ còn giữ lại 32/82 bức ảnh sau khi tặng một số ảnh cho những người tha thiết xin về lưu giữ làm kỷ niệm và để giáo dục con cháu.
Tương tự như vậy, cựu chiến binh Trần Văn Định (bí danh Sáu Tiến) ở ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè bắt đầu sưu tầm ảnh Bác vào năm 1962 khi được người bạn chiến đấu đi tập kết về tặng 2 tấm ảnh Bác, cỡ nhỏ, được ông xem như kỷ vật thiêng liêng và mang theo suốt bên mình trong những năm tháng chiến đấu.
Đến năm 1967, đơn vị bị trúng bom trong một trận chống địch càn ở kinh Bằng Lăng, ông bị thương và chiếc ba lô đựng ảnh Bác đã bị thất lạc. Nhắc đến tình huống này, đến giờ ông vẫn day dứt không nguôi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, một người bạn chiến đấu đến thăm và biết được ước mơ của ông là mong 1 lần ra thăm Lăng Bác nên tặng cho bộ ảnh Bác (40 tấm, cỡ 20x30 cm). Từ đó đến nay ông cất kỹ bộ ảnh như là báu vật. Tấm ảnh Bác cỡ lớn được đặt trang trọng trên chiếc bàn giữa nhà như là sự nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
PHONG TRÀO TREO ẢNH BÁC VÀ TỔ CHỨC LỄ GIỖ BÁC
Phát động từ năm 2012, phong trào tổ chức treo ảnh Bác của Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Theo Đại tá Lê Dũng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, việc tổ chức treo ảnh Bác Hồ trong mỗi gia đình CCB cũng là cách thể hiện suốt đời trung thành với Người, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Có ảnh Bác Hồ trong gia đình, chúng tôi cảm thấy như có Bác luôn bên cạnh, nhắc nhở chúng tôi thực hiệt tốt những lời Bác dạy, nhất là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Theo thống kê của Hội CCB tỉnh, đến nay trên toàn tỉnh đã có 100% hội viên treo ảnh Bác Hồ trong nhà, trong đó những đơn vị thực hiện tốt là: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công… Đặc biệt, qua phát động, có trên 85% hộ đảng viên và hơn 60% hộ dân ở TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy thực hiện việc treo và thờ ảnh Bác như cách bày tỏ lòng tôn kính, học và làm theo gương Bác hàng ngày.
Ngoài ra, nhiều cán bộ hưu trí còn tổ chức lễ giỗ Bác Hồ vào ngày 2-9 hàng năm như: Ông Trần Thanh Bình, ông Trần Văn Thắng (xã Tân Phong); bà Đoàn Thị Hạnh (xã Thạnh Lộc); ông Nguyễn Ngọc Phát (xã Tân Hội)… để thể hiện lòng tri ân Bác và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Còn ở huyện Tân Phú Đông, sau khi đã hoàn thành việc treo ảnh Bác trong nhà các hội viên, Hội CCB xã Phú Thạnh đã bắt đầu tổ chức lễ giỗ Bác Hồ hàng năm, từ năm 2014 trở đi tại từng chi hội ấp, với sự tham gia đóng góp của tất cả hội viên, nhằm giáo dục thế hệ trẻ và động viên, nhắc nhở cán bộ, hội viên CCB tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
NGUYỄN HỮU