Mỗi địa phương cần xây dựng "kịch bản" phòng, chống thiên tai cụ thể
Chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng còn lại của năm 2016; các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2017, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước ở các huyện phía Đông vào chiều 10-10, Chủ tịch UBND Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, “kịch bản” phòng, chống thiên tai cụ thể bảo vệ sản xuất trên địa bàn, nhất là phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ các loại cây trồng chịu mặn kém; không trông chờ cấp trên và đồng thời vận động nhân dân cùng tham gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì hội nghị bàn giải pháp phòng, chống thiên tai thời gian tới. |
Riêng huyện Tân Phú Đông cần xây dựng đề án riêng về phòng, chống hạn, mặn; cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh còn lưu ý các địa phương, nhất là các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công cần xác định công tác thủy lợi nội đồng là công việc thường xuyên nhằm tăng khả năng trữ nước trong các tuyến kinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Nhà máy nước BOO Đồng Tâm xem xét sớm đầu tư các trạm tăng áp; yêu cầu đơn vị cấp nước của tỉnh cố gắng khai thác hiệu quả hệ thống cấp nước hiện có, vận động người dân sử dụng nguồn nước BOO Đồng Tâm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông kết hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cho chủ trương đầu tư 4 cửa cống Xuân Hòa để chủ động lấy nước; huyện Tân Phú Đông và đơn vị cấp nước trên địa bàn rà soát lại hộ dân ở vùng xa, ngoài đê và khả năng sử dụng nước của người dân trên địa bàn.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, trong mùa khô 2016 - 2017, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông và khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. Từ đó, cơ quan chuyên môn dự báo khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô tới ở trong vùng sẽ xuất hiện sớm, sâu, kéo dài.
N.VĂN