Thứ Tư, 09/11/2016, 20:55 (GMT+7)
.
SÁP NHẬP TRUNG TÂM DẠY NGHỀ VÀ TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN - HƯỚNG NGHIỆP:

Thực hiện chức năng 3 trong 1

Đầu năm nay, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp (TTGDTX-HN) và Trung tâm Dạy nghề (TTDN) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX). Qua hơn 3 tháng sáp nhập, hoạt động của các TTGDNN-GDTX đã cho thấy một số kết quả bước đầu khả quan, nhưng cũng còn không ít khó khăn, bất cập cần tiếp tục khắc phục.

Giờ học nghề May công nghiệp của học viên TTGDNN-GDTX Gò Công Tây.
Giờ học nghề May công nghiệp của học viên TTGDNN-GDTX Gò Công Tây.

Khi chưa sáp nhập, nhiệm vụ dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng (dạy nghề ngắn hạn) do các TTDN, các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện; nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp do các TTGDTX-HN, trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường THPT thực hiện. Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, TTDN, TTGDTX-HN đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động đã có sự trùng lắp, dẫn đến đầu tư dàn trải, tuyển sinh chưa tập trung đầu mối, chất lượng đào tạo còn hạn chế... Thế nên, UBND tỉnh có chủ trương sáp nhập 2 Trung tâm (Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp) thành Trung tâm GDNN-GDTX để thực hiện 3 chức năng: Dạy nghề, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp là việc làm cần thiết.

Ông Lê Phước Tân, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết, trên địa bàn tỉnh có 7 TTDN do UBND huyện quản lý, nhưng chỉ có 5 TTGDTX-HN do Sở GD-ĐT quản lý. Thực tế cho thấy, hoạt động của cả 2 Trung tâm đã bộc lộ nhiều bất cập: Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải gây tốn kém, lãng phí. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các Trung tâm bố trí chưa hợp lý, có nơi thừa, nơi thiếu và phân tán nguồn lực… Thực hiện việc sáp nhập 2 Trung tâm là đòi hỏi cấp thiết, phù hợp với xu hướng tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Theo Kế hoạch 59/KH-UBND của UBND tỉnh, đối với các huyện vừa có TTDN, vừa có TTGDTX-HN thì sáp nhập thành TTGDNN-GDTX, thực hiện 3 chức năng; đối với huyện chỉ có TTDN thì bổ sung thêm chức năng giáo dục thường xuyên; đối với huyện, thành phố, thị xã đã có trường cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thì không thành lập TTGDNN-GDTX, nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp do các trường cao đẳng, trung cấp đảm nhận.

Huyện Tân Phú Đông chỉ có TTDN, chưa có TTGDTX-HN, thành lập TTGDNN-GDTX huyện trên cơ sở TTDN huyện được bổ sung thêm chức năng giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.

Đối với huyện Cái Bè thì sáp nhập TTDN huyện Cái Bè vào Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Cái Bè. TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho có trường cao đẳng, trung cấp nghề thực hiện chức năng đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; trường trung cấp chuyên nghiệp thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.

Riêng TP. Mỹ Tho có TTGDTX thành phố thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, nên tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Huyện Cai Lậy có Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy, đang thực hiện chức năng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Cai Lậy đang thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp cho người lao động, học sinh trên địa bàn huyện Cai Lậy nên tạm thời chưa thành lập TTGDNN-GDTX huyện, sau khi cơ cấu lại ngành nghề đào tạo của các trường sẽ xem xét việc thành lập Trung tâm của huyện.

Sau khi sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Công Tây, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2016. Ông Võ Văn Nhơn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khi có chủ trương sáp nhập, 2 Trung tâm đã khẩn trương làm các thủ tục cần thiết, chuyển trụ sở về TTDN huyện. Hiện tại, Trung tâm đang dạy hệ GDTX cho 39 học viên ở 3 khối lớp; hướng nghiệp cho học sinh THPT 1 tuần 3 tiết với 1.000 học sinh ở 43 lớp; dạy nghề dưới 3 tháng cho gần 700 học viên. Có thể nói, thực hiện việc sáp nhập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, Trung tâm đi vào hoạt động khá thuận lợi.

Mặc dù việc sáp nhập 2 Trung tâm đã tạo thuận lợi hơn, nhưng hiện vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần tiếp tục khắc phục. Cụ thể, qua khảo sát thực tế, tại TTGDNN-GDTX Gò Công Đông vẫn tồn tại 3 cơ sở, nhưng không có cơ sở nào đủ rộng để chuyển toàn bộ về một mối. Ở một số Trung tâm khác, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu và trình độ chuyên môn chưa đồng đều, việc sắp xếp công việc cho giáo viên nghề cũng còn nhiều bất cập. Mặt khác, các Trung tâm còn phải cạnh tranh tuyển sinh với các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề của tỉnh và Trung ương được đầu tư lớn về cơ sở vật chất; trong khi hầu hết các Trung tâm các trang thiết bị, cơ sở vật chất đã cũ kỹ và thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc thu nhận học viên và chất lượng đào tạo.

Về vấn đề sắp xếp công việc cho giáo viên, ông Ngô Văn Quyền, Phó Giám đốc TTGDNN-GDTX Gò Công Tây cho biết: “Sau khi sáp nhập, Trung tâm cơ bản giữ nguyên vị trí công tác, hạn chế xáo trộn để tránh gây ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả công tác của giáo viên”.

Hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo nghề, học sinh sẽ có nhiều lựa chọn, vừa học văn hóa vừa học nghề theo sở thích. Việc sáp nhập 2 Trung tâm là việc nên làm trong hoàn cảnh hiện tại nhằm tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần ngân sách, giảm bớt sự cạnh tranh trong tuyển sinh, nâng cao hiệu quả đào tạo của các Trung tâm. Muốn vậy, cần có sự hợp tác, chia sẻ khó khăn và sự nỗ lực từ nhiều phía.

P. MAI

.
.
.