Thứ Ba, 16/05/2017, 20:47 (GMT+7)
.

Đuối nước vẫn đang rình rập trẻ em

Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc vùng sông nước có nhiều ao, đìa, sông, rạch, ở huyện Gò Công Đông có biển Tân Thành. Do vậy, tình trạng trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh nhà năm nào cũng xảy ra. Tính từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng có khoảng 500 đến 1.000 trường hợp đuối nước đối với trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tử vong từ 15 đến 40 em hằng năm. Chỉ riêng trong 1 buổi chiều ngày 15-5-2017 đã có 4 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn sông nước.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em như: Môi trường sống của trẻ gần với sông nước nhưng không có hàng rào bảo vệ, trẻ em đi học qua các vùng sông nước không có phao cứu sinh; giếng nước, bể chứa nước sinh hoạt tại các gia đình thấp không có nắp đậy. Mặt khác, phần lớn là do các em nhỏ chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng cứu người gặp nạn trong khi khu vực nông thôn có nhiều ao, hồ, sông... tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho trẻ.
Tắm sông - trò chơi nguy hiểm của trẻ em.
Tắm sông - trò chơi nguy hiểm của trẻ em.
Hầu hết những nơi này không được lắp đặt biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm lại ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi các em gặp nạn thì không có sự trợ giúp kịp thời. Cùng với đó là sự thiếu quản lý, giám sát của gia đình trong khi các em đang ở độ tuổi ham vui, thích tìm tòi, khám phá nhưng lại chưa nhận thức được đầy đủ về mối nguy hiểm xung quanh nên dễ dẫn đến tai nạn thương tích. 
 
Bà Nguyễn Thị Hảo, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sở LĐ-TB&XH là một ngành thành viên trong việc thực hiện Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ.
 
Cụ thể đã gắn nội dung về phòng, chống đuối nước trẻ em với Chương trình Phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em của ngành. Từ đó tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã những nội dung về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giúp người dân biết được kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em.
Dạy bơi cho trẻ để chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước.
Dạy bơi cho trẻ để chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước.
Một nội dung quan trọng nữa là Sở LĐ-TB&XH đã Phối hợp với các ngành liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCSHCM, Sở VH-TT&DL  từng bước đưa môn bơi an toàn vào giảng dạy trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi.
 
Triển khai Mô hình Ngôi nhà an toàn trong cộng đồng dân cư. Qua đó, các gia đình đã tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, bể chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.
 
Sự tác động từ các giải pháp trên đã thật sự nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, tỷ lệ trẻ em biết bơi ngày càng nhiều. Do vậy số trẻ em bị tử vong do đuối nước hàng năm có giảm đáng kể. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2011 toàn tỉnh có 41 trường hợp, năm 2012 có 16 trường hợp, năm 2013 có 11 trường hợp, năm 2014 có 16 trường hợp và năm 2015 có 16 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.  
Cần trang bị áo phao cho trẻ khi tham gia giao thông thủy
Cần trang bị áo phao cho trẻ khi tham gia giao thông thủy.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Do điều kiện kinh tế một số gia đình quá khó khăn nên ít dành thời gian  để quan tâm, chăm sóc cũng như hướng dẫn, giáo dục con em mình phòng tránh các tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước. Điểm tập bơi cho trẻ em trong cộng đồng quá ít, toàn tỉnh chỉ có 5 hồ bơi: Thành phố Mỹ tho 2, huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công nên phần lớn các em tự tập bơi ở gia đình (ao đìa, sông, rạch), ít có người lớn theo dõi nên rất nguy hiểm, dễ bị chết đuối.
 
Bà Hảo cho biết, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện đưa chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học vào chương trình chính khóa ở một số huyện, thành, thị; Phối hợp với ngành Văn hóa – Thể thao - Du lịch và Đoàn thanh niên tổ chức nhiều lớp dạy bơi khác bằng cách dùng lưới chắn các đoạn sông rạch thích hợp để dạy bơi cho các em, đồng thời tuyên truyền vận động gia đình tự tập bơi cho các em hoặc tạo điều kiện cho các em tham gia học bơi ở các điểm được tổ chức. Có như vậy mới thật sự góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước.
 
MAI HÀ
 
CÁCH SƠ CỨU TRẺ BỊ ĐUỐI NƯỚC
 
Trước hết, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước. Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, tim ngừng đập thì nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết; sau đó móc hết đờm dãi trong miệng và cởi ngay quần áo, làm hô hấp nhân tạo.
 
Đặt người bị nạn nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
 
- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
 
- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay.
 
- Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ ) hoặc 15/2 (đối với người lớn). Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế, cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc chắc chắn đã chết.
 
- Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Nếu lồng ngực còn di động tức là còn tự thở được, hãy đặt nằm ở tư thế an toàn, nghĩa là nằm nghiêng một bên để khi nạn nhân nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi, gây viêm phổi.
.
.
.