Sinh viên và việc làm: Khó khăn cho các trường nghề
Bài 1: Câu chuyện thất nghiệp: Biết rồi, nói mãi, khổ lắm!
Bài 2: Khó khăn cho các trường nghề
Bài cuối: Cần quan tâm công tác hướng nghiệp và dạy nghề
Dẫu biết rằng, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường hằng năm đang có chiều hướng gia tăng; thế nhưng, đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp của mình, đa số học sinh vẫn chọn phương án xét tuyển vào đại học thay vì học ở những trường nghề. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà chuyện vào đại học không khó do thực hiện “cơ chế thoáng” của Bộ GD-ĐT, khiến công tác tuyển sinh ở nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Buổi tư vấn tuyển sinh tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh. |
Thực tế cho thấy, dù số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học thất nghiệp ngày càng nhiều, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cứ nuôi mộng cho con mình vào đại học, mà không thấy được tầm quan trọng của chuyện học nghề.
Thời điểm này là giai đoạn ôn luyện thi nước rút của học sinh lớp 12. Đối với những học sinh có học lực khá, giỏi thì chuyện vào đại học không khó, nhưng đáng lo ngại nhất là các em có học lực trung bình, yếu đã không lượng được sức học của mình. Thực tế cho thấy, có những học sinh ôn luyện thi 4 - 5 năm mà vẫn chưa đậu đại học, trong khi với chừng ấy thời gian, các em học ở các trường nghề đã ra trường và có được việc làm ổn định.
Trong vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT thay đổi Đề án Tuyển sinh. Theo đó, có thể nói, chuyện vào đại học đối với học sinh là không khó. Học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học, không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển và các trường tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm... Chính cơ chế “thoáng” này đã dẫn đến việc đào tạo đại học tràn lan và thực tế công tác đào tạo ở nhiều trường không gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội…
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có 24 trường và cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của các cơ sở này đã và đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2016, Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang chỉ tuyển được 789/1.230 chỉ tiêu. Nhà trường đã có nhiều cố gắng trong công tác tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức phong phú như: Thông báo tuyển sinh trên các phương tiện truyền thông; tổ chức cho học sinh tham quan trường; phát tờ bướm tuyển sinh…
Thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề nhìn nhận: “Mặc dù trường đã thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh, nhưng hầu như qua các năm vẫn không tuyển đủ chi tiêu. Về nguyên nhân, do tâm lý chung của đa số phụ huynh (kể cả học sinh) muốn con mình vào đại học, nên số lượng đăng ký học nghề giảm đi rất nhiều. Mặt khác, nhiều trường THCS vẫn chưa thực hiện tốt công tác phân luồng cho học sinh vào các trường nghề…”.
Cô Nguyễn Thị Dân Quyền, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh cho biết: Trong năm 2016, tỷ lệ tuyển sinh của trường đạt gần 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trường cũng gặp nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất đã cũ, xuống cấp; trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở đạo tạo nghề; tâm lý xem nhẹ bằng cấp nghề của phụ huynh và học sinh...
Năm 2017, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 300 học sinh, với nhiều ngành nghề đào tạo: Công nghệ hàn; Điện công nghiệp và dân dụng; Kế toán doanh nghiệp thương mại; Nghiệp vụ nhà hàng... Ngay từ đầu tháng 3, nhà trường đã bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh với nhiều hoạt động như: Triển lãm đồ dùng dạy nghề; tặng đĩa CD giới thiệu ngành nghề đào tạo của trường; phối hợp với các trường phân luồng học sinh sau THCS; triển khai các chính sách học phí..., nhưng vẫn không tránh khỏi tâm trạng lo lắng hụt chỉ tiêu tuyển sinh, vì những nguyên nhân chính đã nêu trên.
ĐỖ PHI
(Còn tiếp)