Thứ Tư, 28/06/2017, 10:09 (GMT+7)
.

Bữa cơm gia đình - nơi gắn kết yêu thương

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng là điểm tựa để mỗi thành viên gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Trong đó, mỗi bữa cơm gia đình được xem như “sợi chỉ hồng” xuyên suốt gắn kết các thành viên trong gia đình cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống.

Trao thưởng Hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tại TX. Cai Lậy.
Trao thưởng Hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tại TX. Cai Lậy.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ VH-TT&DL liên tiếp 4 năm (2014 - 2017) đều chọn chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” cho Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Việc tiếp tục lấy chủ đề này với mong muốn truyền tải thông điệp đến mọi gia đình Việt Nam về ý nghĩa, tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Từ bữa cơm này sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình, xây dựng mối quan hệ bền chặt và duy trì hạnh phúc gia đình.

Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng hiểu rằng, từ truyền thống cội nguồn dân tộc, trong đời sống người Việt, bữa cơm gia đình không chỉ là nơi gắn kết các thành viên, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn..., mà đó còn là nền tảng hình thành nền nếp gia phong, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Bữa cơm gia đình chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên: Con trẻ thể hiện sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ qua sự quan tâm ăn uống. Cha mẹ hỏi han việc học hành, công việc của con, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của con cái. Vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ với nhau những thuận lợi, khó khăn sau một ngày làm việc… Qua những câu chuyện hay những hành động, ông bà, cha mẹ còn giáo dục con trẻ tình yêu thương, sự kính trên nhường dưới và những kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống...

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình thông qua bữa cơm gia đình dần có sự lỏng lẻo, nhiều gia đình cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên trong gia đình, mỗi thành viên đều có “lý do” riêng để vắng mặt trong bữa ăn. Cũng có không ít gia đình xem việc nấu nướng rất mất thời gian, nên sử dụng thức ăn nhanh, hình ảnh vợ chồng cùng vào bếp, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, nhất là gia đình ở đô thị ngày càng trở nên vắng bóng. Vì vậy, không khí đầm ấm trong gia đình cũng bị ảnh hưởng, tình cảm gắn kết, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái ngày càng bị hạn chế theo nhịp sống thời đại...

Anh Võ Minh Đức (ngụ xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) đoạt giải Nhất Hội thi Nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” do Ban Chỉ đạo công tác gia đình TX. Cai Lậy tổ chức, chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình là vợ chồng, con cháu cùng chia sẻ trách nhiệm và quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình. Gia đình tôi rất xem trọng bữa cơm gia đình, vì trong bữa cơm từng thành viên trao đổi, hỏi han công việc với nhau, thăm hỏi chuyện học hành của con cái. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn mưu sinh nên gia đình thường tổ chức bữa cơm gia đình vào ngày chủ nhật để họp mặt đầy đủ các thành viên trong bữa cơm tuy còn đạm bạc mà đầy tình thương, đó là niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi...”.

Để duy trì bữa cơm gia đình, giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là việc hết sức quan trọng và cần thiết, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức, trách nhiệm chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà trước giờ ăn cơm cùng tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn, trong đó người chồng phải làm gương, thể hiện vai trò trụ cột, quan tâm, trân trọng bữa cơm gia đình và tham gia cùng vợ chuyện bếp núc, để niềm hạnh phúc bình dị của gia đình được nhân đôi. Với trẻ em, ông bà, cha mẹ phân công công việc hợp lý và hướng dẫn chế biến món ăn cũng như cách thức ăn uống. Sự hấp dẫn của bữa cơm gia đình không chỉ thể hiện ở việc thay đổi món ăn hằng ngày, mà việc tạo không khí cũng hết sức quan trọng. Đó là chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bữa ăn thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Từ đó, mong muốn trở về bên mâm cơm gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Song hành với sự cố gắng của mỗi gia đình trong việc giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần phối hợp với các ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức các cuộc thi nấu ăn, kiến thức dinh dưỡng với sự tham gia của các thành viên gia đình nhân dịp lễ, tết, đặc biệt là nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6…

Để duy trì và giữ lửa hạnh phúc gia đình, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác gia đình mong muốn mỗi gia đình hãy tiếp tục duy trì bữa cơm gia đình, nhằm duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng nhằm gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

THANH LAN

.
.
.