Xác định hộ nghèo không chỉ dựa trên mức thu nhập
Trước đây, việc đánh giá và xét công nhận hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp dưới mức chuẩn nghèo thì được công nhận thuộc diện hộ nghèo. Trên thực tế, nhiều hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm cận chuẩn nghèo, do đó số lượng hộ cận nghèo vẫn rất lớn, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc xét duyệt hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 dựa trên sự đánh giá tổng thể hơn, được gọi là chuẩn nghèo đa chiều.
Lắng nghe ý kiến hộ nghèo về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và việc làm là việc làm thường xuyên của ngành LĐ-TB&XH, nhằm đảm bảo hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. |
CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ CHUẨN NGHÈO
Đói nghèo là một trong những rào cản lớn làm giảm khả năng phát triển con người, cộng đồng cũng như mỗi quốc gia. Người nghèo thường không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội như: Việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thông tin…, khiến cho họ ít có cơ hội thoát nghèo. Do vậy, mở rộng cơ hội lựa chọn và nâng cao năng lực cho người nghèo là phương thức tốt nhất để giảm nghèo bền vững.
Khái niệm nghèo đa chiều được xác định là tình trạng con người không được đáp ứng ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Cụ thể là, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và điều kiện sống. Hiện tại, quy định chính sách về nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, cụ thể: Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như: Khám, chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, bền vững hơn, tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 76/2014/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản; Quyết định 2324/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo Quyết định này, việc tiếp cận, đánh giá, bình xét hộ nghèo của các địa phương không phải chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, mà phải dựa trên tổng thể nhiều yếu tố khác để đảm bảo cuộc sống. Chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng: Sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: Tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Những quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho Chương trình Giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.
BÌNH XÉT HỘ NGHÈO PHẢI TOÀN DIỆN
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và đề xuất 5 tiêu chí với 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng là: Giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Cụ thể: Về giáo dục, hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên đủ 15 tuổi trở lên không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học và có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5 - 14 tuổi) hiện không đi học.
Về chăm sóc y tế, hộ gia đình có người bị ốm đau nhưng không đi khám, chữa bệnh (ốm đau được xác định là bị bệnh/chấn thương nặng đến mức phải nằm một chỗ và phải có người chăm sóc tại giường hoặc nghỉ việc/học không tham gia được các hoạt động bình thường); hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện chưa có bảo hiểm y tế. Về nhà ở, hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2. Về điều kiện sống, hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh. Về điều kiện tiếp cận thông tin, hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và Internet, không có tài sản nào trong số các tài sản: Tivi, đài, máy vi tính và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn.
Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc xác định công nhận hộ nghèo của Tiền Giang sẽ thực hiện theo tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 -
2020, gồm tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ thuộc 1 trong 2 tiêu chí sau: Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ thuộc 1 trong 2 tiêu chí sau: Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
MAI HÀ