Thứ Hai, 10/07/2017, 21:24 (GMT+7)
.
KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH:

Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh

Đó là chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay mà Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFA) vừa đưa ra.

Đầu tư vào công tác Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) nhằm cải thiện sức khỏe và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác, làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập. 	Ảnh: MINH NHỰT
Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập. Ảnh: Minh Nhựt

Theo thông cáo của UNFA, Hội nghị thượng đỉnh London về KHHGĐ năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 11-7, trùng với Ngày Dân số Thế giới. Đây là lần thứ hai hội nghị này được tổ chức, với sự tham gia của các nhà tài trợ và các bên liên quan sau khi chung tay xây dựng Sáng kiến về KHHGĐ đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc mở rộng cung cấp dịch vụ KHHGĐ tự nguyện cho thêm 120 triệu phụ nữ và trẻ em gái (tính đến thời điểm năm 2020).

Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 đã đánh dấu sự chuyển biến về định hướng trong lĩnh vực dân số và phát triển, trong đó phương pháp tiếp cận dựa trên nhân khẩu học được thay thế bằng phương thức tiếp cận, cho phép các cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp. Đẩy mạnh tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, bao gồm thực hiện KHHGĐ tự nguyện được coi là trọng tâm của định hướng mới này.

Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền đã giúp chúng ta đạt được những kết quả cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và KKHGĐ. Hàng triệu phụ nữ đã được trao quyền và nâng cao vị thế, làm cơ sở cho phép họ có thể đưa ra các quyết định sinh ít con hơn, sinh con muộn hơn. Nhờ đó, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập hơn, nhiều cơ hội kiếm sống tốt hơn và có thể thoát khỏi vòng lẩn quẩn của đói nghèo.

Một thực tế đáng buồn cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, quyền thực hiện KHHGĐ vẫn là một quyền mà nhiều người đang tranh đấu để có được nó, mặc dù đã có rất nhiều quy định về quyền được ban hành trên phạm vi toàn cầu và có rất nhiều khuôn khổ phát triển đã và đang ủng hộ vấn đề này một cách mạnh mẽ. Chúng ta cần thực hiện công tác tuyên truyền vận động mạnh mẽ hơn và thực hiện hỗ trợ ở phạm vi rộng hơn.

Tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện là một quyền con người. Đây là vấn đề giữ vị trí trung tâm trong bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đồng thời là một yếu tố then chốt trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng 225 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai hiện chưa được sử dụng các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả. Hầu hết số phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng này hiện đang sinh sống tại 69 quốc gia nghèo trên thế giới. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của rất nhiều phụ nữ thông qua việc tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn trên phạm vi toàn thế giới; đồng thời giảm 1/3  tỷ lệ tử vong mẹ. Ước tính năm 2016, con số tử vong mẹ là 303.000 ca.

Thực hiện kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con tốt.                                                                                                                                                                                Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con tốt. Ảnh: Cao Lập Đức

Tính đến thời điểm năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 - 19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về KHHGĐ nhưng chưa được đáp ứng. Ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hằng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con. Thực hiện KHHGĐ là một can thiệp có thể cứu sống con người. Thực hiện KHHGĐ giúp ngăn ngừa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm các ca nạo phá thai không an toàn.

Khi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận rộng rãi hơn các dịch vụ hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và KHHGĐ, họ sẽ có nhiều cơ hội để có thể tìm kiếm các công việc được trả lương và tăng mức thu nhập cho gia đình. Khi phụ nữ tiếp cận được các nguồn lực trong sản xuất, sức khỏe của họ được chăm sóc tốt hơn, họ có thể đạt được trình độ học vấn cao hơn và ít phải gánh chịu bạo lực từ người chồng/bạn tình hơn.

Những tác động tích cực này cũng hoàn toàn đúng đối với thế hệ con cái của những phụ nữ này. Các em gái kết hôn muộn hơn sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học ở phụ nữ sẽ tỷ lệ nghịch với số con họ sinh (số năm đi học càng nhiều thì số con càng ít). Chính vì vậy, đầu tư vào KHHGĐ sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Đầu tư vào KHHGĐ còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng kinh tế của quốc gia. Khi tỷ lệ dân số phụ thuộc (dân số trẻ em và người cao tuổi) nhỏ hơn dân số trong độ tuổi lao động, nó tạo ra một lợi thế về kinh tế. Sự kết hợp giữa tăng số lượng người lao động tạo ra thu nhập và giảm tỷ lệ dân số phụ thuộc, cộng thêm các chính sách phù hợp sẽ là cơ sở thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia có mức thu nhập quốc dân thấp. KHHGĐ là một nội dung tích hợp trong các mục tiêu phát triển bền vững.

THỦY MƠ

.
.
.