Thứ Tư, 25/10/2017, 21:49 (GMT+7)
.

Buồn vui nghề thợ hồ

Nhắc đến nghề thợ hồ, nhiều người nghĩ ngay những người làm công việc nặng nhọc. Thế nhưng, cái nghề ấy đã nuôi sống rất nhiều gia đình, vực dậy ước mơ đổi đời cho nhiều trẻ em nghèo.

Nghề thợ hồ đã nuôi sống rất nhiều gia đình, vực dậy ước mơ biết bao nhiêu người.
Nghề thợ hồ đã nuôi sống rất nhiều gia đình, vực dậy ước mơ biết bao nhiêu người.

“NỔI TRÔI” THEO CÔNG TRÌNH

Có thể nói, nghề thợ hồ là một trong những nghề vất vả, đòi hỏi người làm có sức khỏe tốt, chịu xa nhà. Dưới cái nắng như đổ lửa giữa buổi trưa, chúng tôi tìm đến một công trình đang xây ở phường 9, TP. Mỹ Tho. Trước mắt chúng tôi là 4 - 5 người thợ vẫn đang miệt mài khiêng đá, kéo hồ; những người khác thì thoăn thoắt mũi bay để ghép các viên gạch lại với nhau cho thật khít. Dưới cái nón bảo hộ màu trắng, những giọt mồ hôi ướt hết cả khuôn mặt. Nóng quá, một thanh niên cởi áo ra, tay cầm chai nước uống ừng ực. Thấy chúng tôi, một chú tầm 50 tuổi quay lại cười và nói vui: “Đừng thấy chúng tôi đen đúa mà cười nghe”.

Đó là chú Trần Văn Chín (ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) gắn bó với nghề thợ hồ đã ngót nghét hơn 30 năm. Hỏi nghề thợ hồ cực khổ như thế sao có thể gắn bó được đến tận bây giờ, chú lấy khăn lau mồ hôi rồi nói: “Âu cũng là cái duyên với nghề, chú à”. Hồi đó, vợ chồng chú lấy nhau không có miếng đất cắm dùi, che tạm cái chòi lá ở ven sông. Hằng ngày, chú đi chày cá cho vợ mang ra chợ bán kiếm được vài chục ngàn đồng. Thế nhưng, tình cảnh gia đình ngày càng khó khăn hơn khi 4 đứa con mỗi ngày một lớn. Lúc bấy giờ, chú nghe nói làm thợ hồ tuy cực nhưng thu nhập khá nên có ý định chuyển sang nghề này. “Thế là tôi nhờ người quen xin vào làm trong một công trường nhỏ. Những ngày đầu phụ hồ, tay tôi rướm máu vì xách những xô hồ to và nặng di chuyển liên tục, rồi đến khiêng những viên đá to thô ráp. Dần dần, tôi học được các kỹ thuật xây, trộn vữa… nên được cho lên làm thợ chính. Từ đó, thu nhập của tôi ổn định hơn” - chú Chín nhớ lại.

Hiện tại, thu nhập bình quân của một thợ hồ giỏi nghề từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Mức thu nhập đó đã giúp cho nhiều gia đình ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, người làm nghề này luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Chú Chín kể, trong suốt 3 năm làm nghề thợ hồ, chú gặp không ít tai nạn, nhưng nhớ nhất là lúc làm công trình ở TX. Cai Lậy bị trượt té từ giàn giáo, gãy chân, nằm ở nhà cả tháng.

Nhưng những khó khăn, cực nhọc của nghề thợ hồ đâu chỉ dừng lại ở việc phải “dầm mưa dãi nắng” hay gặp phải những tai nạn bất ngờ. Thợ hồ trẻ Nguyễn Văn Hiển (25 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nỗi buồn lớn nhất của người thợ hồ là phải sống xa gia đình, nay đây mai đó, thường theo công trình cả tháng trời mới được về nhà một lần. Có những công trình lớn cần xây gấp, hơn nửa năm anh mới về nhà một lần. Anh vừa kể vừa nhìn về xa xa, ánh mắt thấp thoáng nỗi nhớ vợ con da diết.

NUÔI ƯỚC MƠ CHO CON ĐI HỌC

Ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Phan Văn Hơn (40 tuổi, quê huyện Châu Thành) vẫn ấp ủ giấc mơ cho các con ăn học thành tài. Tiền công thợ hồ mỗi tháng anh đều dành lại một ít để mua thêm sách tiếng Anh cho đứa con gái đang học lớp 12, với mong muốn con cái có thể sống tốt hơn so với cha mẹ bây giờ. Anh Hơn xòe đôi bàn tay thô ráp, chai sần cho chúng tôi xem rồi nói: “Đời tôi cầm xô hồ khổ lắm rồi, mong đời con được cầm “cây bút” như người ta. Được như vậy, khổ mấy tôi cũng chịu được”.

Cùng suy nghĩ cố gắng làm nghề thợ hồ nuôi con ăn học “tới nơi tới chốn” như anh Hơn, anh Bùi Đình Vịnh, quê Cà Mau đã hoàn thành được ước mơ khi cả 3 đứa con lần lượt đỗ vào các trường đại học danh tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, đứa con gái lớn của anh đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và có công việc ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành niềm tự hào đối với người cha Bùi Đình Vịnh, giúp anh có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống.

ĐỖ PHI

.
.
.