Thứ Năm, 26/10/2017, 20:48 (GMT+7)
.

Cố nhìn con để lưu vào ký ức

“Cố nhìn con để lưu vào ký ức” là câu nói nấc nghẹn trong nước mắt của người mẹ trẻ khi chia sẻ với chúng tôi. Đó cũng là câu chuyện thương tâm của đôi vợ chồng trẻ chẳng may lâm cảnh ngặt nghèo do bệnh tật…

Những giọt nước mắt của Họp cứ chảy mãi vì em sợ đến một lúc nào đó không còn nhìn thấy các con được nữa.
Những giọt nước mắt của Họp cứ chảy mãi vì em sợ đến một lúc nào đó không còn nhìn thấy các con được nữa.

NỖI ĐAU CỦA VỢ

Khi chúng tôi đến, Trần Thị Họp đang ngồi chải tóc cho con gái, nước mắt cứ chực trào. Chúng tôi hỏi Họp: Em vừa xuất viện, sao không nằm nghỉ ngơi? Họp mím môi thật chặt để cố nén tiếng khóc đừng bật ra, nhưng chỉ được trong khoảnh khắc, những giọt nước mắt cứ thế trào ra, không thể nào ngăn lại được. Mãi một lúc sau Họp mới giữ được bình tĩnh: “Một mắt của em giờ đã không còn nhìn thấy, mắt còn lại thị lực yếu dần. Giờ còn thấy lòa nhòa, em tranh thủ làm được gì cho con thì làm. Điều em lo sợ nhất là không còn được nhìn thấy các con nữa…”. 2 đứa con gái thì cứ quanh quẩn bên mẹ, không dám rời xa, sợ mẹ bệnh, chân yếu, mắt kém đi rủi té không ai đỡ. Những lúc thấy mẹ mệt cứ nằm li bì, cô con gái út Lê Thị Ngọc Trà (6 tuổi) năn nỉ: “Mẹ ngồi dậy đi chơi giùm con đi!”. Những lúc ấy, nước mắt Họp lại trào tuôn.

Nhà nghèo nên Họp đi làm thuê từ nhỏ, gặp người cùng cảnh ngộ rồi nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống tuy khó khăn vì vợ chồng ra riêng với 2 bàn tay trắng, nhưng gia đình đầy ắp tiếng cười khi 2 bé gái lần lượt chào đời. Hạnh phúc chưa hưởng được bao lâu thì bệnh tật ập xuống. Gần 4 năm nay, cô gái 28 tuổi ở miền quê còn nhiều khó khăn (ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) phải chống chọi với căn bệnh ngặt nghèo: Hội chứng hư thận. Do gia cảnh nghèo khó, chỉ điều trị cầm chừng nên bệnh mỗi ngày một nặng thêm, có lần tưởng Họp không qua khỏi. Từ một cô gái thon thả, Họp tăng cân lên đến 100 kg, da rạn nứt rỉ nước toàn thân, đến giờ những vết rạn nứt da vẫn còn hằn những vết thâm đen chằng chịt trên cơ thể.

Những ngày không có việc làm, Siên đi bắt cua kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình  và lo thuốc men cho vợ.
Những ngày không có việc làm, Siên đi bắt cua kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo thuốc men cho vợ.

Giờ Họp không nhớ rõ mình đã vào - ra bệnh viện bao nhiêu lần, chỉ nhớ mỗi lần đi tái khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy phải mượn 2 triệu đồng, mỗi lần phải nằm viện điều trị mượn nhiều hơn, khi thì 5 triệu đồng, khi thì 6 triệu đồng. Số tiền mượn đi điều trị bệnh cho Họp hiện đã 24 triệu đồng, 4 năm qua chưa trả được đồng nào, mà cứ tăng dần lên. Tháng 4-2017, Hợp phải nhập viện 3 lần, lần thứ nhất là do thận tái phát, lần thứ hai là do biến chứng qua tim, lần thứ ba là do biến chứng gây tăng huyết áp. Và mới đây, Họp lại phải nằm điều trị ở Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh do biến chứng, nhưng cũng không thể cứu vãn được khi giác mạc mắt phải đã bị rách, mất hẳn thị lực; mắt trái cũng đang mờ dần. 

Nhìn thấy mẹ khóc, cháu Lê Thị Ngọc Trâm (11 tuổi) - con gái lớn của Họp cũng khóc nấc theo. Hỏi Trâm sao lại khóc? Cháu đưa tay quệt nước mắt, giọng nấc nghẹn: “Con sợ đến một ngày nào đó mẹ con không thể nhìn thấy chị em con nữa!”. Họp trào nước mắt: “Từ ngày biết mình có thể không nhìn thấy được nữa do biến chứng, em cố gắng gần con và nhìn con nhiều hơn, để rủi sau này không còn nhìn thấy nữa thì còn có ký ức về các con”. Từ ngày mẹ bệnh, Trâm thay mẹ chăm sóc em và làm hết công việc nhà. Hỏi Trâm ước mơ gì? Đôi mắt cô bé ngấn nước: “Con ước mơ mẹ mãi nhìn thấy chị em con, ước mơ mẹ hết bệnh, ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ”. Nghe Trâm bảo thế, Họp ôm con vào lòng, những giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt căng mọng nước…

NỖI NIỀM CỦA CHỒNG

Chồng của Họp là Lê Tân Siên, là thanh niên siêng năng, chất phác. Cuộc sống quần quật bởi cái ăn, cái mặc, rồi chuyện học hành của con cái, lo thuốc thang cho vợ, nợ nần… khiến Siên không thể nhớ khi bất chợt chúng tôi hỏi Siên sinh năm nào, cưới vợ khi nào? Nghiệm mãi cũng không nhớ, Siên phải hỏi người thân. Siên siêng năng, không ngại khó, ngại khổ. Mấy năm trước, thấy căn nhà xiêu vẹo sắp sập, chị em trong gia đình gom góp cho Siên mượn để cất  căn nhà cấp bốn. Nhà vừa cất xong, chưa kịp mừng thì Họp đổ bệnh.

Nhà không có đất sản xuất (ra riêng chỉ được mẹ cho cái nền), nên dù mới 33 tuổi nhưng Siên đã có “thâm niên” 20 năm đi làm mướn. 13 tuổi Siên nghỉ học, cùng mẹ và 5 anh, chị xuống xuồng đi cắt lúa mướn khắp nơi, từ Kiến Bình, Tân Thạnh (tỉnh Long An), đến Tam Nông, Hồng Ngự, Kinh 15 (tỉnh Đồng Tháp)… Hết mùa lúa, Siên đi hái rau, đãi hến, làm bốc vác ở các nhà máy xay lúa… để kiếm tiền phụ mẹ lo thuốc thang cho cha và trang trải cuộc sống hằng ngày. Lớn một chút, Siên lên TP. Hồ Chí Minh đi làm thuê cho lò bún, dành dụm tiền gửi về phụ mẹ nuôi 3 đứa em.

Mẹ của Siên kể, hồi nhỏ anh bị sốt bại liệt, cũng may đã phát hiện và điều trị kịp thời nên di chứng để lại không nặng nề như người khác. Nói là không nặng chứ nửa người bên phải của Siên bị lép, tay phải cũng không bình thường nên không thể cầm đũa ăn cơm được. Vậy mà, từ khi cưới vợ (năm 2005) đến giờ, Siên làm nghề phụ hồ và bốc vác cát, đá ở cơ sở vật liệu xây dựng. Vết tích từ cái nghề nặng nhọc là một bên vai của Siên chai cứng, gù lên. Do thể trạng yếu, nên làm bốc vác cát, đá được khoảng 7 năm Siên bị thoát vị đĩa đệm, lúc ấy anh mới 24 tuổi. Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ định phải mổ, nhưng vì không có tiền nên Siên về nhà điều trị bằng thuốc Nam. Bệnh tình càng lúc càng nặng, đau nhức khiến Siên không đi nổi quá 100 m. Thấy vậy, chị em trong gia đình gom góp tiền cho Siên mượn để đi Bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Dù có bảo hiểm, nhưng đến ngày xuất viện, Siên thẩn thờ khi cộng số tiền nợ lên đến 22 triệu đồng.

Bác sĩ dặn sau mổ phải nghỉ ngơi, không được làm việc nặng, thế nhưng nghĩ đến số tiền nợ, nghĩ đến vợ con, vài tháng sau Siên lại đi làm mướn. Lúc đầu sức khỏe còn yếu, Siên đi giữ vườn vì công việc tưới cây, làm cỏ tương đối nhẹ nhàng. Cảm thấy sức khỏe bình phục hơn, Siên đi phụ hồ, rồi tiếp tục đi bốc vác cát, đá. Bác sĩ dặn tuyệt đối không làm nặng, nhưng mỗi cần xé cát, đá nặng từ 60 kg trở lên. Hỏi Siên không sợ bệnh tái phát lại hay sao? Anh cười buồn: “Kệ, tới đâu hay tới đó, hoàn cảnh như vầy biết làm sao anh!”. Rồi Siên ngập ngừng chia sẻ tiếp: “Em đã cố gắng hết sức rồi, mà vẫn không thể kiếm đủ tiền để lo điều trị bệnh cho vợ đến nơi đến chốn. Để vợ gánh chịu bệnh tật, đau đớn như vậy, em đau lòng lắm, nhưng lực bất tòng tâm…”. Nghe Siên nói vậy, những người có mặt trào nước mắt…

Từ ngày Họp bệnh, ban ngày Siên đi bốc vác cát, đá, phụ hồ; tối về đi soi cua để kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Mỗi đêm Siên soi được 3 - 4 kg cua, nhưng cũng có đêm không được ký nào, mỗi ký bán được 15 ngàn đồng. Làm quần quật cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chỉ đủ tiền lo cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con; còn chi phí đưa vợ đi tái khám, hay nằm viện điều trị thì Siên đi mượn. Anh nhẩm tính, đến nay số tiền mượn để Siên mổ thoát vị đĩa đệm và trị bệnh cho vợ đã lên đến 39 triệu đồng. Nhắc đến số tiền ấy, Siên thẩn thờ như người mất hồn, ánh mắt sáng của anh chợt tối lại. Và Siên im lặng, dõi ánh mắt về phía xa xăm như thầm hỏi: Cuộc sống này có phép màu hay không?  

NG. CHƯƠNG

.
.
.