Chợ truyền thống: Làm sao để hoạt động hiệu quả?
Chợ truyền thống đã phát huy vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác mạng lưới chợ truyền thống hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ để tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ là hết sức cần thiết.
1. Trên địa bàn tỉnh hiện có 176 chợ (không kể chợ tự phát, chợ tạm) với đa số là chợ nông thôn (151 chợ). Trong đó, có 5 chợ hạng 1 (trên 400 điểm kinh doanh), 21 chợ hạng 2 (từ 200 đến 400 điểm kinh doanh) và 150 chợ hạng 3 (dưới 200 điểm kinh doanh), với diện tích mỗi chợ chỉ từ 1.000 m2 đến 3.000 m2. Theo tổng hợp của Sở Công thương, tổng số hộ kinh doanh tại các chợ 174.490 hộ.
Hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh cần phải được rà soát, đánh giá lại để tránh lãng phí trong đầu tư, nâng cấp chợ. |
Các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ bán lẻ, phục vụ đời sống dân sinh, phục vụ nhu cầu mua bán các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày của hộ gia đình, nguyên vật liệu, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp… Chỉ có một số chợ tại khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, thị trấn Cái Bè là vừa bán lẻ, vừa bán buôn cho các chợ huyện, chợ xã và các hộ bán lẻ trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hình thành một số chợ có tính chất chuyên doanh, đầu mối như: Chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), chợ trái cây An Hữu (huyện Cái Bè), chợ trái cây phường 4, chợ cá (TP. Mỹ Tho)… không chỉ là nơi tập trung lượng lớn hàng hóa mà còn thu hút nhiều thương lái đến thu mua, đóng gói và phân phối cho các vùng miền khác trong cả nước, kể cả phục vụ xuất khẩu.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Ngô Văn Tuấn cho rằng, các chợ truyền thống hoạt động kinh doanh đa dạng, hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng; đồng thời đã thực hiện tốt cả 2 chức năng bán buôn và bán lẻ, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
2. Phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay đều do Nhà nước quản lý. Tỉnh hiện có 9 Ban Quản lý chợ, chủ yếu tập trung quản lý trực tiếp các chợ hạng 1 và hạng 2. Đối với các chợ hạng 3, UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã thành lập Tổ Quản lý chợ để điều hành quản lý. Riêng huyện Cai Lậy và huyện Tân Phú Đông chưa thành lập Ban Quản lý chợ. Ngoài ra, tỉnh còn có 10 doanh nghiệp kinh doanh quản lý trực tiếp 12 chợ và có 3 chợ do hộ kinh doanh quản lý, khai thác.
Theo Sở Công thương, hoạt động của các Ban Quản lý chợ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia quản lý chợ đều chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý chợ. Do đó, việc quản lý, điều hành hoạt động của các chợ chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với công tác quản lý chợ chưa kích thích để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của chợ, nhất là khai thác các dịch vụ tại các chợ…
Thực tế, hầu hết Ban Quản lý chợ đều không có khả năng để đầu tư phát triển, cải tạo lại các chợ. Có nơi thành viên Ban Quản lý chợ được xem là cán bộ bán chuyên trách, có nơi ký hợp đồng trả công trích từ nguồn thu phí chợ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một số chợ xảy ra tiêu cực từ Ban Quản lý chợ liên quan đến việc thu phí chợ cũng như có hiện tượng tùy tiện bố trí gian hàng, vị trí kinh doanh không minh bạch, hợp lý, bị tiểu thương phản ánh.
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi mô hình Ban Quản lý chợ sang mô hình giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, khai thác, nhằm đưa chợ truyền thống ở địa phương phát triển cũng như có thể tăng thêm nguồn thu. Việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh còn nhằm tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả chợ theo hướng văn minh. Việc chuyển đổi mô hình quan lý chợ này đang được Sở Công thương và các địa phương nghiên cứu thực hiện.
3. Trên cơ sở hiện trạng hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và yêu cầu đầu tư phát triển chợ, thời gian qua, Sở Công thương, các sở, ngành hữu quan và các địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác và đưa vào hoạt động kinh doanh nhiều chợ. Từ năm 2015 đến tháng 9-2017, tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 32 chợ, với tổng vốn đầu tư 146,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn xã hội hóa đầu tư 5 chợ, nâng tổng số chợ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh là 28 chợ, với tổng vốn đầu tư trên 202,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa đầu tư chợ không dễ dàng thực hiện, nhất là trong tình hình sức mua giảm hiện nay. Thêm vào đó, việc thu hồi vốn từ đầu tư kinh doanh chợ chậm, cộng thêm tập quán mua bán của người dân và mãi lực của chợ truyền thống không cao nên nhà đầu tư rất cân nhắc khi tính toán phương án đầu tư.
Theo Sở Công thương, nhu cầu đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa các chợ trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là tại địa bàn nông thôn nhưng nguồn vốn ngân sách khó có thể đáp ứng, trong khi việc mời gọi đầu tư lại chưa mang hiệu quả cao. Do đó, việc rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh để có hướng tổ chức, sắp xếp lại cho hợp lý, nhằm phát huy tối đa vai trò của chợ truyền thống trong phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là yêu cầu quan trọng trong việc phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ.
Theo đó, về bố trí vốn ngân sách đầu tư phát triển chợ, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị, thành và các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí vốn đầu tư để các xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về Chợ theo quy định. Theo kế hoạch, năm 2018, tỉnh cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới 14 chợ nông thôn, tổng vốn đầu tư khoảng 63 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi trong việc xã hội hóa đầu tư chợ, theo Giám đốc Sở Công thương Ngô Văn Tuấn, cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, nhất là việc thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai, thuế và việc áp giá, đền bù, giải tỏa nhằm bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án…
HỮU NGHỊ