Bài 1: Nỗ lực giải "bài toán" kinh phí
Trong thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi kinh phí hoạt động thấp và tỷ lệ tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) chưa cao. Tuy nhiên, trong cái khó, vẫn có nhiều Đoàn cơ sở có cách làm sáng tạo, hiệu quả để nâng chất hoạt động và phát triển phong trào, góp sức trẻ trong xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp và Đoàn các cấp hỗ trợ, Đoàn cơ sở các địa phương đã nỗ lực, chủ động tìm nguồn kinh phí cho các hoạt động. |
Hiện nay, nguồn kinh phí hoạt động được cấp hằng năm cho các Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn rất hạn hẹp. Xuất phát từ thực tế này, nhiều Đoàn cơ sở các địa phương đã nỗ lực tiết kiệm, chủ động tìm nguồn kinh phí cho các hoạt động.
KINH PHÍ EO HẸP
Trong buổi làm việc của UBND tỉnh với Ban Chấp hành (BCH) Tỉnh đoàn vào ngày 25-10-2017, đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại các quy định của Trung ương và của tỉnh để làm việc với các huyện, thành phố, thị xã về công tác phân bổ ngân sách cho Đoàn cơ sở các địa phương. Cụ thể, bắt đầu từ năm 2018, các Đoàn cơ sở địa phương được phân bổ ngân sách để phục vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với mức khoán kinh phí tối thiểu là 10 triệu đồng/năm.
Theo đó, quy định mức khoán kinh phí tối thiểu cấp cho Đoàn cơ sở các địa phương có tăng hơn so với những năm trước nhưng nguồn kinh phí này vẫn không thể đủ trang trải cho quá nhiều hoạt động hằng năm của Đoàn cơ sở. Theo khảo sát ở một số Đoàn cơ sở, nguồn kinh phí được UBND các xã, phường, thị trấn cấp cho các hoạt động của Đoàn chỉ dao động từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí này rất khó để Đoàn cơ sở các địa phương đảm bảo các hoạt động.
Chị Phạm Thị Bé Hiếu, Bí thư Xã đoàn Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) cho biết: “Trong năm 2018, Xã đoàn được UBND xã cấp khoán 10 triệu đồng. Nguồn kinh phí này so với các hoạt động cần phải thực hiện của Xã đoàn là rất eo hẹp. Nếu chỉ tính riêng tiền chi văn phòng phẩm và công tác phí cũng đã “ngốn” hơn 4 triệu đồng/năm, thì phần kinh phí còn lại chỉ khoảng 6 triệu đồng, không thể đủ cho các hoạt động khác của Đoàn”.
Thiếu kinh phí hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng hoạt động Đoàn ở cơ sở chưa cao. Theo anh Lê Hoàng Giang, Bí thư Xã đoàn Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước), làm cán bộ Đoàn ai cũng muốn tổ chức, xây dựng nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực cho ĐV-TN. Tuy nhiên, do công tác Đoàn có rất nhiều hoạt động nhưng kinh phí lại quá ít, không thể đảm bảo cho các hoạt động đạt chất lượng cao mà chỉ ở mức đạt yêu cầu.
CHỦ ĐỘNG TIẾT KIỆM VÀ TÌM NGUỒN KINH PHÍ
Mặc dù, kinh phí đang là “bài toán” khó cho hoạt động của các Đoàn cơ sở các địa phương nhưng với sự nỗ lực vượt khó, nhiều Đoàn cơ sở vẫn có các giải pháp để “hóa giải” bài toán này.
Trong cân đối nguồn kinh phí, một số Đoàn cơ sở đã có nhiều cách tiết kiệm để ưu tiên kinh phí cho các hoạt động Đoàn. Trong đó, nhiều Đoàn cơ sở tận dụng sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong ứng dụng công nghệ thông tin để gửi và nhận đơn thư, công văn của các cơ quan, đơn vị nhằm tiết kiệm một khoản chi tiêu cho văn phòng phẩm. Chị Nguyễn Thị Bé Hiếu cho biết: “Hiện nay, hầu hết các bạn ĐV-TN đều sử dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội email, zalo, facebook rất thành thạo. Do đó, Xã đoàn tận dụng lợi thế này để thực hiện công tác thông báo, tuyên truyền đến các Chi đoàn ấp cũng như trong ĐV-TN của xã. Việc ứng dụng các mạng xã hội trong công tác, hoạt động đã giúp Xã đoàn tiết kiệm rất nhiều các khoản chi tiêu về văn phòng phẩm và công tác phí”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng các hoạt động, không ít Đoàn cơ sở chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tại địa phương để có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Cách làm của Xã đoàn Mỹ Tân (huyện Cái Bè) là một điển hình trong thực hiện tốt công tác vận động các nguồn lực xã hội để tổ chức các phong trào và nâng chất các hoạt động Đoàn tại địa phương. Anh Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Xã đoàn Mỹ Tân cho biết, để tạo thêm nguồn kinh phí cho các hoạt động, Ban Chấp hành Xã đoàn tổ chức vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí thành lập 2 Câu lạc bộ “Chung tay kết nối yêu thương” và “Nhịp cầu hữu nghị” trực thuộc Xã đoàn. Trong năm 2017, thông qua 2 câu lạc bộ này, Xã đoàn vận động được nguồn kinh phí trên 600 triệu đồng để tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc như: Xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo, xây dựng cầu giao thông nông thôn…
Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, công tác Đoàn ở xã, phường, thị trấn gồm 3 mảng công tác: Đoàn - Hội - Đội. Vì vậy, nhu cầu kinh phí cho tổ chức Đoàn hoạt động là rất lớn. Do đó, để đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động thì ngoài nguồn đoàn phí, kinh phí được ngân sách cấp và Đoàn các cấp hỗ trợ, Đoàn cơ sở các địa phương cần phải làm tốt công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể tại địa phương trong tổ chức các hoạt động phong trào; đồng thời, làm tốt công tác vận động các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, Đoàn cơ sở các địa phương phải tổ chức các hoạt động, phong trào có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp tình hình kinh tế tại địa phương và nhu cầu ĐV-TN.
PHAN THẮNG
(còn tiếp)