Một mô hình thu gom rác thải ở nông thôn
Hiện nay, rác thải sinh hoạt đang khiến môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm. Hầu hết các biện pháp thu gom và xử lý chất thải rắn nông thôn vẫn còn rất lạc hậu không đáp ứng yêu cầu, cũng như không bảo đảm được vệ sinh môi trường. Đây là áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường nông thôn.
Mô hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn ở xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước). |
Xuất phát từ thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các ngành, đoàn thể đã thành lập và đưa vào hoạt động các mô hình thu gom rác thải tại nông thôn mang hiệu quả cao, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường sống “xanh - sạch - đẹp”.
Nếu trước đây, người dân xã Tân Lập 2 (huyện Tân Phước) quen việc vứt rác sinh hoạt tùy tiện, thì giờ họ đã có phương pháp bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao. Kết quả trên có được từ mô hình “Một hố rác một cây xanh”. Mô hình có tác dụng kép này đã giải quyết lượng lớn rác hữu cơ từ cây khóm ở những nơi không có điểm thu gom rác thải tập trung của xã.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Lập 2 Phan Thị Thủy cho biết: “Rác thải từ khóm tạo ra môi trường cho ruồi, muỗi xuất hiện nhiều, mầm mống gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Các loại rác thải được phân loại và xử lý đúng nơi quy định, nhất là còn có thêm lượng phân hữu cơ để bón cho cây giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng. Song, thành công lớn nhất của mô hình là người dân bắt đầu nhận thức được ý nghĩa của phân loại rác để xử lý phù hợp. Đến nay, mô hình “Một hố rác một cây xanh” đã được nhân rộng ra các ấp trong xã, với 12 tổ, 277 hộ tham gia thực hiện”.
Chia sẻ sau thời gian áp dụng mô hình, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2 cho biết: “Mô hình này thực hiện khá đơn giản và giờ đã trở thành thói quen của mỗi người trong gia đình. Hằng ngày, sau khi dọn dẹp nhà cửa, phân loại rác xong, tôi cho rác hữu cơ vào hố.
Sau thời gian rác phân hủy, hoai mục, tôi trồng cây xanh, hoa kiểng hoặc vài cây cà, cây ớt… trên hố rác và cây phát triển rất tốt, giúp cho gia đình giảm chi phí mua rau, củ cho bữa ăn hằng ngày”.
Ngoài mô hình “Một hố rác một cây xanh”, xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) còn triển khai mô hình “Thùng rác compost”. Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, Hội LHPN xã đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, hướng dẫn và vận động chị em đăng ký thực hiện, trong đó, các Chi hội trưởng phụ nữ đã đi đầu làm điểm”.
Kết quả giờ đây, việc phân loại rác để xử lý đối với nhiều gia đình ở xã Tân Hòa Thành đã trở thành công việc thường xuyên hằng ngày. Bởi đối với họ, rác không còn là thứ bỏ đi mà sau khi được ủ hoai mục sẽ mang lại nguồn phân sạch, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng xung quanh nhà.
Có thể nói, những hình thức thu gom, xử lý rác tại gia đình thích hợp với tập quán người dân nông thôn, phương pháp gần gũi với tự nhiên. Trong đó, mô hình “Một hố rác một cây xanh” là biện pháp xử lý rác thân thiện với môi trường so với các biện pháp đốt rác hay chôn lấp thông thường không qua phân loại trước đây.
Thành công của các mô hình xử lý rác thải trên tuy chỉ là bước đầu trong việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên con đường tiến tới xử lý rác theo công nghệ hiện đại, nhưng là bước tiến lớn về nhận thức trong việc thu gom rác thải nông thôn.
Các phương án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã và đang áp dụng là hình ảnh trực quan sinh động nhằm nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nói chung và người dân nông thôn nói riêng.
P. MAI