BÀI 3: Tránh nhiệm không của riêng ai
Chưa bao giờ tai nạn đuối nước ở trẻ em lại gióng lên hồi chuông cảnh báo như hiện nay. Giải quyết “bài toán” làm sao để hạn chế tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em không phải là trách nhiệm riêng của một cơ quan chức năng nào, mà cần sự chung tay của toàn xã hội để giảm thiểu tối đa tình trạng trên. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã lược ghi ý kiến của một số ngành chức năng và người dân về vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Quý Mão:
Hướng đến học sinh nào cũng biết bơi
Thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, những năm qua, ngành đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt quan tâm đến phổ cập bơi cho học sinh. Mục tiêu của ngành Giáo dục hướng đến là làm sao để tất cả các học sinh phải biết bơi, biết và thực hành được một số kỹ năng phòng tránh đuối nước cơ bản nhất.
Tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, thực hiện phòng tránh đuối nước cho học sinh, cán bộ, viên chức và giáo viên trên địa bàn tỉnh; xem công tác phòng, chống đuối nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong mỗi trường học, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh có trách nhiệm trong việc phòng, chống và ngăn chặn tình trạng đuối nước xảy ra.
Ngành tiếp tục thực hiện công tác phổ cập bơi cho học sinh, tổ chức cho học sinh, giáo viên thực hành sơ cấp cứu khi xảy ra đuối nước. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa về xây dựng các hồ bơi trong trường học nhằm góp phần tạo điều kiện phổ cập bơi cho học sinh, nhất là ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thị Phương Minh:
Trang bị kỹ năng ứng cứu khi gặp nạn
Khi gặp các sự cố về đuối nước, nạn nhân thường hoảng loạn, uống nhiều nước và hầu như hoàn toàn không xử lý được. Nếu phát hiện những trường hợp bị đuối nước, chúng ta cần phải bình tĩnh và biết cách xử lý để có thể cứu được nạn nhân ra khỏi tình trạng nguy hiểm.
Khi phát hiện người bị rơi xuống nước cần hô to, kêu mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Hãy cho người bị đuối bám vào các vật dụng như cây sào, phao, áo quần…; tuyệt đối không nhảy theo cứu nạn nhân khi không biết bơi.
Sau khi đưa người đuối nước lên bờ cần tiến hành kiểm tra đường thở, nếu trong mũi, miệng có dị vật cần lấy hết ra, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát ra khỏi đường thở.
Nếu nạn nhân ngừng thở cần đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra, làm như vậy đến 2 lần.
Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục 30 lần. Làm luân phiên 2 lần hồi sức hô hấp và 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có người đưa nạn nhân đi các cơ sở y tế.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quang Minh:
Sẽ triển khai xây dựng 100 hồ bơi di động
Để thực hiện công tác phòng tránh đuối nước cho trẻ em, trong thời gian tới, bên cạnh tham mưu các văn bản cho cấp trên, Tỉnh đoàn sẽ triển khai các hoạt động về xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em như: Các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, nhà trẻ an toàn, cộng đồng an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em…
Tỉnh đoàn sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực kết hợp với việc vận động các cá nhân, tổ chức tặng áo phao cứu sinh cho trẻ em thường xuyên đi lại trên đường thủy, trẻ em ở những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đề xuất với ngành Giáo dục đưa môn Bơi lội vào chương trình giáo dục các cấp, xem đây là điều kiện cần thiết, có kiểm tra, đánh giá cho học sinh.
Tỉnh đoàn sẽ đề xuất với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thực hiện 100 chương trình về truyền thông phòng, chống đuối nước trong trường học.
Tỉnh đoàn cũng phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các sở, ngành có liên quan triển khai mô hình xây dựng 100 hồ bơi di động lắp đặt tại các địa bàn trọng yếu có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em, để phục vụ nhu cầu tập luyện, phổ cập bơi và phát triển kỹ năng bơi lội cho trẻ em.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thanh Phúc:
Kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ bơi lội
Xác định công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em là việc làm trọng tâm và thường xuyên, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá thực trạng trẻ em tử vong do đuối nước và công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình trẻ em toàn tỉnh biết bơi, học sinh các trường biết bơi; tổ chức các giải bơi, thi tuyên truyền viên, tìm hiểu kỹ năng an toàn trong môi trường sông nước…
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu cho UBND các cấp dành quỹ đất và đầu tư xây dựng bể bơi ưu tiên gần các khu vực trường học, khu đông dân cư.
Ngoài ra, ngành sẽ thống kê, đánh giá các thiết chế bơi, lặn, các cơ sở dạy bơi, giải trí dưới nước trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn tại các điểm dạy và học bơi lặn; kêu gọi các tổ chức, cá nhân có cơ sở dạy, luyện tập bơi miễn, giảm học phí cho trẻ em, học sinh đến học và tập luyện.
Chị Nguyễn Ngọc Trúc Chi (phường 6, TP. Mỹ Tho):
Cha mẹ hãy quan tâm con hơn nữa
Qua xem thời sự, tôi thấy thời gian qua tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em đang ngày một gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, nhưng theo tôi trách nhiệm của cha mẹ vẫn là phần chính. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra do cha mẹ không quan tâm, theo dõi con cái, để các cháu ra sông, mương vô tư đùa giỡn.
Thiết nghĩ, thời gian tới, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc, các bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm theo dõi con của mình hơn nữa; dạy cho các con nhận biết nguy hiểm, không đùa giỡn ở sông, rạch. Cha mẹ hãy chỉ dạy cho con cách để thoát hiểm, các kỹ năng phòng, chống đuối nước; đặc biệt là hãy quan tâm, rèn luyện cho con học bơi.
Có thể thấy, một số sở, ban, ngành đã thể hiện quyết tâm trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, sự đồng tình ủng hộ của người dân, tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ có chiều hướng giảm. Mong rằng, chương trình phổ cập bơi mà ngành Giáo dục đang thực hiện sẽ ngày càng có hiệu quả và lan tỏa mạnh trong cộng đồng.
ĐỖ PHI (thực hiện)