Thứ Bảy, 12/05/2018, 10:26 (GMT+7)
.

Bảo vệ con em trước hiểm họa trên mạng xã hội

Không phải chỉ đến câu chuyện về trào lưu “Cá voi xanh”, trước đó những trào lưu bắt nguồn từ mạng xã hội đã không ít lần gây nên những bi kịch cho cuộc sống như trào lưu “Nói là làm”, rạch tay, khoe thân, bắt nạt…

a
Trào lưu “Cá voi xanh” du nhập vào Việt Nam

Từ ảo hóa thật
Một bé gái học trung học phổ thông, đang sống một cuộc sống bình thường, đi học, về nhà và dĩ nhiên ở lứa tuổi của em cũng đã bắt đầu có những rung động và cũng khó mà tránh được cả một nụ hôn đầu đời. Có lẽ mọi chuyện sẽ tiếp tục bình thường, cuộc sống sẽ tiếp tục trôi nếu như trên mạng xã hội không bất ngờ xuất hiện hình ảnh chụp lén nụ hôn đó. Những lời cay nghiệt, miệt thị, những bài giảng đạo đức, những lời phê phán… tất cả ùn ùn kéo đến và đối với một cô bé mới chỉ ở cái tuổi ăn học, đó quả là một cơn ác mộng. Em đã không vượt qua được và tìm đến cái chết.
“Người Việt Nam nói là làm”, câu nói mang hàm nghĩa tích cực đó lại bị các bạn trẻ biến thành một nghĩa tiêu cực. Một chàng trai tuyên bố đủ lượng like (lượt yêu thích trên facebook) sẽ nhảy cầu, và anh nhảy thật, may mà được cứu kịp. Một cô bé tuyên bố đủ like sẽ đốt trường. Bé đốt thật và suýt nữa là tự đốt cả mình, cũng may mà cứu kịp.

a
Một thanh niên nhảy cầu, câu like

Và gần đây nhất, dư luận ồn ào khi trào lưu “Cá voi xanh” bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Đó là một “trò chơi” mà người chơi, mỗi ngày sẽ thực hiện một thử thách được đặt ra mà mở đầu là các thử thách rất đơn giản như đi ra đường, hát một bài… càng về sau càng nghiêm trọng hơn như rạch tay, giết động vật… Đáng sợ nhất là thử thách cuối cùng đòi hỏi người tham gia phải tự sát. Đã có hơn 130 thanh thiếu nhi ở Nga chết vì trò chơi này. TS Tâm lý học người Mỹ Harry Stratyner cho rằng “trò chơi” này đánh vào tâm lý của người trẻ và dẫn dắt họ đi theo hướng thực hiện việc điên rồ để thu hút sự chú ý, ở đây là trên mạng xã hội.

Trách nhiệm của người lớn
Nhiều công trình nghiên cứu đã được đề ra để lý giải những hành vi được xem là “không thể hiểu nổi” của người trẻ từ mạng xã hội. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đều cho rằng các hành vi này thực ra rất dễ lý giải vì nó đã có từ rất lâu. Mạng xã hội chỉ là công cụ khiến cho trẻ dễ tiếp cận và kích thích các hành động đó hơn mà thôi.
Khảo sát những đứa trẻ chết ở Nga trong trò “Cá voi xanh”, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận, hầu hết đều là những đứa trẻ cô đơn. Sự cô đơn này đôi khi diễn ra rất thầm lặng, đứa trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, có bạn bè, gia đình… nhưng chúng không có ai để trao đổi, không thể tự khẳng định được mình, cảm giác bị lãng quên, bỏ rơi. Kẻ đứng đầu trò “Cá voi xanh” đã biết lợi dụng tâm lý muốn tự khẳng định mình đó dụ dỗ, lôi kéo các em thực hiện những hành vi thiếu kiểm soát.

Tại Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng từ thực tế các trường hợp xảy ra thời gian qua cũng cho thấy một mẫu số chung là những em bị cuốn vào các trào lưu nguy hiểm đều có tâm lý muốn được thừa nhận, muốn tự khẳng định mình do thiếu sự chăm sóc của gia đình. N.T. nam thanh niên từng đổ xăng lên người đốt rồi nhảy cầu sau khi đạt đủ 40.000 lượt like chính là một điển hình như vậy. Thất nghiệp, cuộc sống bất ổn đã khiến chàng trai trẻ 24 tuổi sẵn sàng làm bất cứ gì miễn là được chú ý đến, dù việc đó có thể dẫn đến cái chết.

Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý là người lớn, có thể là phụ huynh, nhà trường… đóng vai trò quan trọng nhất nhằm phát hiện và ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc từ các trào lưu mạng xã hội. Thực tế đã cho thấy những trẻ được gia đình quan tâm, có đời sống tâm lý ổn định đều có sự đề kháng mạnh mẽ trước những trào lưu xấu trên mạng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý cực đoan kiểu ngăn cấm, la mắng, đánh phạt lại rất ít hiệu quả trong những trường hợp này. Thậm chí còn gây hiệu ứng ngược khi càng đầy trẻ lún sâu hơn vào sự cô độc.

Chung tay vì một cuộc sống hạnh phúc
Không phải trào lưu trên mạng xã hội nào cũng xấu, chúng ta đã từng chứng kiến không ít trào lưu mang ý nghĩa tốt đẹp như trào lưu dội nước đá lên đầu gây quỹ vì trẻ em ung thư, thách đố đọc mỗi cuốn sách một ngày, trào lưu kêu gọi nhặt rác sau mỗi sự kiện của giới trẻ… Những trào lưu như vậy vừa giúp người trẻ có cơ hội thể hiện mình vừa đóng góp cho xã hội, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho người trẻ.
Trên thực tế hiện nay, đứng trước những hiểm họa từ mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh đã có các biện pháp cực đoan như ngăn cấm sử dụng các thiết bị điện tử. Thế nhưng biện pháp này theo nhiều ý kiến là ít mang lại tác dụng thậm chí còn phản tác dụng bởi trẻ đang sống trong một môi trường công nghệ, việc tách rời hoàn toàn càng khiến trẻ cảm thấy mình tụt hậu, lạc lõng so với bạn bè nhất là khi thiết bị điện tử đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc học tập.

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cần có sự kiểm soát tốt việc sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ đồng thời có sự chia sẻ, nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của con em mình để có được hướng xử lý thích hợp. Điều này thực ra không khó như nhiều người lầm tưởng bởi khác với ngày xưa, trẻ ít có cơ hội thổ lộ suy nghĩ cá nhân, ngày này việc thổ lộ đã trở nên đơn giản, tiện lợi hơn rất nhiều. Đó cũng là cơ hội để các bậc phụ huynh nắm bắt được những gì đang diễn ra với con mình.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.