Đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) xin Trung ương cho phép bắt đầu điều chỉnh tuổi hưu từ năm 2021 theo lộ trình 1 năm tăng 3 tháng.
Đề án cải cách chính sách BHXH được xây dựng và trình Hội nghị Trung ương lần này hướng tới mục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.
Tại phiên thảo luận tập trung về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban cán sự Đảng Chính phủ, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công cho rằng: “Muốn phát triển được BHXH thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, chúng ta còn 15,6 triệu số hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của BHXH, đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ chi phí 30% cho hộ nghèo tham gia BHXH, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và người bình thường 10% để tham gia BHXH”.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung cho rằng những chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn vì thực tiễn, người nghèo dù có được nhà nước hỗ trợ 30% chi phí thì cũng khó có thể tham gia được. Hiện nay, một số nước như Indonesia, Trung Quốc, đối với hộ nghèo hỗ trợ lên tới 60% và chúng ta có bài học Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay có độ bao phủ lớn là nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho người dân chiếm tỷ trọng lớn.
“Bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó thì rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị TƯ có quyết tâm chính trị rất lớn. Đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này. Trước hết, về chọn thời điểm trong tờ trình Trung ương xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021 và người hưởng như phụ nữ là 56 tuổi từ 2025, thời điểm bắt đầu dân số già”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Đồng tình phải tăng tuổi nghỉ hưu nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị phải có lộ trình phù hợp với từng đối tượng, trong đó có đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại...
“Chúng ta nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên hay công nhân mỏ, cầu đường… Cũng có thể phải tính luôn việc có chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này nếu họ còn lao động”, bà Hà đề nghị.
Tại phiên thảo luận, Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước dẫn thực tiễn trên thế giới hiện nay tuổi nghỉ hưu là 60-67. Ví dụ Mỹ, bình quân 63 tuổi, Malaysia 60 tuổi. Thái Lan đến năm 2022 là 61 tuổi và đến 2024 là 63 tuổi...
“Ở ta, nam có thể là 62 đối với các lĩnh vực công chức, viên chức trong đơn vị hành chính sự nghiệp. Còn 60 tuổi đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực lao động nặng nhọc. Tôi cho rằng nên chia ra để hợp lý hơn”, ông Phớc phân tích.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhằm hướng tới BHXH toàn dân cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay, mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và chỉ có 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần cân nhắc việc thay đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong Đề án.
“Đây là vấn đề hết sức thận trọng, sau này có 10 năm đóng bảo hiểm là đã nghỉ hưu rồi mà hiện nay là 20 năm. Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng Đoàn Quốc hội chỉ đề nghị xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì cân đối quỹ như thế nào? Cho nên không nên giảm quá sâu mà cùng lắm 15 năm đã là tích cực rồi”, đồng chí Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Tỷ lệ này hiện nay là một người đóng thì một người rút.
Theo ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống. Do đó, làm mất đi ý nghĩa đóng BHXH được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống của họ khi tuổi già, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ông Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.
(Theo enternews.vn)