Chủ Nhật, 13/05/2018, 14:52 (GMT+7)
.

Nghĩa trang "đặc biệt" giữa ngàn khơi

Ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 có những nghĩa trang rất đặc biệt - nghĩa trang “vĩnh hằng”, bất diệt với thời gian. Những nghĩa trang đó tồn tại trong mỗi con người, được xây dựng bằng lòng biết ơn sâu sắc đối với những liệt sĩ hy sinh, nằm lại giữa biển khơi, vì sự bình yên của biển, đảo quê hương.

Lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

 NGHĨA TRANG  “VĨNH HẰNG”

Trong chuyến thăm, chúc tết quân và dân huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa vào dịp đầu năm 2017, chúng tôi có dịp ghé thăm đảo Sinh Tồn. Tại đảo, đoàn công tác không tổ chức Lễ Tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 như một số đoàn công tác khác, mà chỉ viếng bia phương danh các liệt sĩ này.

ặc dù, bia phương danh - nơi yên nghỉ của các anh được dựng lên bên trong góc của một ngôi chùa nhưng lại mang ý nghĩa hết sức lớn lao, thể hiện sự biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh của các anh.

Mỗi thành viên trong đoàn công tác đều thắp một nén nhang tri ân, mong các anh - những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho bình yên của biển, đảo giữa ngàn khơi Tổ quốc mãi ngủ yên trong lòng biển cả.

Trong giờ phút thiêng liêng ấy, chúng tôi như lặng người khi được nghe kể về sự hy sinh anh dũng của các anh. Những đôi mắt đượm buồn nhưng vẫn cố nhìn từng tên những chiến sĩ đã ngã xuống như để ghi tạc vào lòng… Các anh có người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, với bao hoài bão còn dở dang.

Không kìm nén được nỗi xúc động, nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong), một thành viên của đoàn đã vỡ òa cảm xúc trong tiếng khóc nghẹn ngào, khâm phục trước sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ và nhớ đến những người đồng đội.

Anh Quân cho biết,  trong 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân của Việt Nam hy sinh trong trận Gạc Ma có những người từng là đồng đội đã cùng anh kề vai sát cánh bên nhau khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đối với nhà báo Nguyễn Đình Quân, nỗi đau mất đồng đội là sự mất mát vô cùng to lớn, là nỗi đau dai dẳng mãi theo anh.

Song, đó cũng là niềm tự hào của nhà báo Nguyễn Đình Quân về những đồng đội đã hy sinh cả tính mạng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương đất nước, để ngàn đời Tổ quốc mãi khắc ghi tên các anh.

Ở Trường Sa có một nghĩa trang “vĩnh hằng” không bia mộ là nơi để tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma.
Ở Trường Sa có một nghĩa trang “vĩnh hằng” không bia mộ là nơi để tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma.

Ngoài vùng biển, đảo Trường Sa của Việt Nam, nghĩa trang “vĩnh hằng” - nơi yên nghỉ của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, đều không có phần mộ như trên đất liền.

Mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận biển sâu trong lòng biển cả và mãi mãi trong lòng dân tộc. Sự hy sinh của các anh đã làm cho Trường Sa thiêng liêng, bất khuất và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Phóng viên Lê Đức Quý (Báo Bắc Ninh) chia sẻ: “Lần đầu được đến với Trường Sa và được thắp nén hương cho các anh, tôi không thể cầm lòng được. Các anh quá dũng cảm và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi cũng như Tổ quốc luôn ghi nhớ những đóng góp của các anh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước”.

ĐẾN NGHĨA TRANG TRONG LÒNG NGƯỜI

Mỗi lần ra thăm Nhà giàn DK1, tất cả các đoàn công tác chứ không riêng gì đoàn công tác của chúng tôi đều phải làm Lễ Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chẳng có mộ bia giữa mênh mông trời biển, chỉ là bàn thờ được lập trên con tàu tại khu vực nhà giàn - nơi các anh đã anh dũng bám trụ và ngã xuống vì sự bình yên của biển, trời Tổ quốc. Đó là một nghĩa trang rộng lớn, hoành tráng và tuyệt đẹp mà mỗi người trong đoàn công tác đều khắc ghi...

Ngày 5-7-1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) với nhà giàn đầu tiên - nhà giàn Tư Chính A (còn gọi là DK1/1) được xây dựng hoàn thành, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Gần 29 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 đã không quản ngại khó khăn vượt qua sóng gió, hiểm nguy, gian khổ, kể cả sự hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự anh dũng hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đó là sự hy sinh tạo nên những giá trị vô giá để động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy thế mạnh của Nhà giàn DK1 trong điều kiện mới.

Đối với chúng tôi, những người lần đầu đến với nhà giàn và được tham dự buổi lễ tưởng niệm, ai nấy đều mang một cảm xúc rất thiêng liêng và tự hào. Tiếng nhạc “Hồn sĩ tử” vang lên nghe da diết nhưng cũng đầy hào hùng.

Cùng lời điếu văn của Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân - những lời sâu lắng tự cõi lòng của những người đồng đội dành cho nhau vang lên giữa trùng khơi khiến trong chúng tôi, không một ai có thể kìm được cảm xúc... Lúc này đây, trước mắt chúng tôi như có một nghĩa trang.

Nghĩa trang “không bao giờ chìm”, không bao giờ bị lãng quên theo thời gian. Bàn thờ, tràng hoa và những bông cúc vàng, huệ trắng được các thành viên trong đoàn thả xuống biển, thay lời nhắn nhủ, thế hệ chúng tôi hôm nay và con cháu mai sau sẽ mãi khắc ghi những cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

MINH THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.