Tạo sức bật từ thành phố thông minh
Đề án Xây dựng Mỹ Tho thành thành phố thông minh (TPTM) giai đoạn 2017 - 2020 (hay còn gọi là Smart City) đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 18-12-2017. Đề án được xây dựng dựa trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và UBND tỉnh Tiền Giang.
TP. Mỹ Tho được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới cho tỉnh. |
Nội dung xây dựng TPTM bao gồm: Chính quyền điện tử thông minh, Wifi thông minh, camera thông minh, du lịch thông minh, hệ thống thông tin địa lý (Gis), hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo độ mặn, giao thông thông minh, hệ thống điều hành dữ liệu đô thị trung tâm (tập trung), hạ tầng ICT và các hệ thống thông tin khác.
Việc xây dựng thành công TP. Mỹ Tho thành TPTM góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn; đưa Mỹ Tho trở thành một trong những địa phương có hệ thống quản trị đô thị tốt nhất.
Với việc xây dựng các hệ thống thông tin thông minh, doanh nghiệp được cung cấp môi trường phát triển càng tiện ích, ưu việt; người dân, doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ trên mạng ở các cấp độ khác nhau và được cung cấp thông tin một cách minh bạch, thuận lợi, kịp thời…, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức trong giao dịch hành chính với chính quyền, mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh tế của doanh nghiệp; nhân dân được tiếp cận các dịch vụ chất lượng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiện ích.
Việc xây dựng TPTM ở TP. Mỹ Tho còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững, lâu dài cho tỉnh. Đây là hình mẫu để 2 đô thị phía Đông và phía Tây của tỉnh là TX. Gò Công và TX. Cai Lậy tiếp tục nhân rộng triển khai trong thời gian tới.
Với hạ tầng đang có, TP. Mỹ Tho sẽ xây dựng TPTM theo xu hướng kế thừa, tích hợp các ứng dụng công nghệ, thông tin hiện có cùng với các hệ thống công nghệ, thông tin - viễn thông sẽ được đầu tư mới. Với sự kiện này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Mỹ Tho đang rất kỳ vọng vào những điểm mới mà đô thị thông minh mang lại.
Theo lãnh đạo TP. Mỹ Tho, để chủ động tham gia xây dựng TPTM giai đoạn 2017 - 2020, TP. Mỹ Tho sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành TPTM; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân ngày một tốt hơn...
Việc triển khai chính quyền điện tử thông minh nhằm giảm chi phí hoạt động tại các cơ quan nhà nước nhưng vẫn bảo đảm nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch thông qua việc triển khai các hệ thống chính quyền điện tử: Cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, quản lý văn bản điều hành, email, họp trực tuyến.
Việc triển khai đề án trên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, TP. Mỹ Tho cũng có những khó khăn nhất định như: Hệ thống phương tiện, trang thiết bị CNTT chưa đồng bộ, một phần đã lạc hậu; trình độ tin học và kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức chưa đồng đều.
Nhìn từ thực tiễn cũng cho thấy, từ nay đến năm 2020 là khoảng thời gian khá ngắn, thành phố cần quán triệt sâu rộng trong nội bộ và tuyên truyền rộng rãi ra dân về chủ trương xây dựng TPTM; bổ sung nhân lực CNTT để đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cấp chính quyền điện tử và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp trên các lĩnh vực để phục vụ cho việc kết nối thông tin…
NGUYÊN BÍ THƯ THÀNH ỦY MỸ THO HUỲNH ĐỨC MINH: Xây dựng TPTM là xu hướng tất yếu
Trước hết cần khẳng định, việc xây dựng TPTM là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi khách quan của một xã hội văn minh.
Chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên buộc mọi người, mọi lĩnh vực phải thay đổi theo hướng tích cực.
TP. Mỹ Tho triển khai xây dựng TPTM là việc làm rất cần thiết để xứng tầm với đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là việc làm phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
TP. Mỹ Tho đã có đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng TPTM. Do vậy, kỳ vọng của tôi là việc triển khai sẽ có kết quả sớm để TP. Mỹ Tho nhanh chóng thay đổi bộ mặt về hình thức lẫn nội dung của một đô thị hiện đại, một thành phố đáng sống.
Đề án sẽ giúp lãnh đạo địa phương thực hiện công tác lãnh đạo, điều hành thuận lợi, chặt chẽ và khoa học hơn.
Điều đáng nói ở đây, thành công của đề án chính là vì lợi ích của người dân, góp phần nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân, để người dân ngày càng tin tưởng vào chính quyền hơn.
Chính quyền phải bảo đảm cuộc sống của người dân được thoải mái và làm việc trong khuôn khổ của pháp luật. Đây là đích đến của đề án.
Để đạt được mục tiêu của đề án, TP. Mỹ Tho phải quan tâm một số việc như sau: Đảng bộ, chính quyền thành phố phải nỗ lực và quyết tâm chính trị cao; phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của UBND tỉnh.
TP. Mỹ Tho phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, đặc biệt là sự hiểu biết, thông thạo trong sử dụng CNTT. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu để tuyển chọn công chức, đề bạt cán bộ.
Ngoài ra, địa phương phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân làm quen công nghệ, quy trình thực hiện trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.
TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TP. MỸ THO TRẦN MINH ĐỨC: Xây dựng TPTM lấy người dân làm trung tâm
Trong xây dựng TPTM, trước hết phải có chính quyền thông minh và người dân thông minh.
Đặc biệt rất cần sự tham gia và hưởng ứng của người dân, phải đặt người dân làm trung tâm của đề án.
Hiện nay, tại TP. Mỹ Tho, tất cả các quy hoạch hầu như đã phủ kín, do vậy khi xây dựng TPTM cần phải rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch theo định kỳ, để phù hợp với điều kiện của thành phố.
Từ đó, người dân có thể cập nhật được các thông tin như cải cách hành chính, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… một cách tiện lợi, nhanh chóng. Người dân có thể ở nhà nhưng vẫn biết được thông tin về các thủ tục liên quan đến chính sách, pháp luật.
Một trong những kỳ vọng khi xây dựng TPTM nữa là người dân sẽ tiếp cận được hệ thống giao thông thông minh, biết nơi nào ùn tắc giao thông hay ngập nước.
Về hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hệ thống thoát nước…), khi xây dựng TPTM, chính quyền và người dân chỉ cần lên mạng là có thể biết cây xanh chết chỗ nào, điện chiếu sáng bị hỏng bóng nào và có thể điều chỉnh được hệ thống chiếu sáng theo chu kỳ…
Kỳ vọng lớn nhất của tôi khi xây dựng TP. Mỹ Tho thành TPTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, người dân có thể tham gia trong quá trình giám sát, quản lý để thành phố ngày càng phát triển.
CHỊ NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA (PHƯỜNG 4, TP. MỸ THO): Mong TPTM nhanh chóng triển khai
Với những lợi ích mang lại, tôi rất đồng tình với chủ trương xây dựng TP. Mỹ Tho thành TPTM.
Cụ thể như khi xây dựng TPTM, thành phố sẽ phủ mạng lưới Wifi công cộng. Hiện tại nhu cầu sử dụng mạng để truy cập Internet rất lớn, dù ở gia đình đã có Wifi nhưng khi đến nhiều nơi khác ở thành phố lại không có Wifi để sử dụng.
Do vậy, việc phủ Wifi công cộng cho thành phố là việc làm cần thiết, mang đến sự tiện lợi cho người dân cũng như du khách. Bên cạnh đó, hệ thống camera thông minh cũng được lắp đặt sẽ giúp tình hình giao thông, an ninh trật tự được bảo đảm hơn.
Bản thân tôi nhận thấy đây là việc làm thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Với những lợi ích thiết thực đối với đời sống người dân, tôi rất kỳ vọng và mong rằng TPTM sẽ được thực hiện nhanh chóng. Điều này sẽ mang đến sự tiện lợi cho cả chính quyền và nhân dân, góp phần đưa TP. Mỹ Tho ngày càng phát triển.
P.A - M. THÀNH