Vì sao giá nước sinh hoạt lại tăng?
(ABO) Từ ngày 1/9/2018 giá nước sinh hoạt sẽ được điều chỉnh. Để bạn đọc hiểu rõ hơn việc tăng giá nước lần này; chúng tôi có cuộc trao đổi với Ông Huỳnh Công Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Ông Huỳnh Công Dũng cho biết:
Theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành đơn giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều có xây dựng lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 9 năm 2017.
Ông Huỳnh Công Dũng. |
Trong đó có các mốc điều chỉnh: tháng 10 năm 2014, tháng 10 năm 2015, tháng 10 năm 2016. Mỗi đợt điều chỉnh tăng 10% ( khu vực đô thị), 7% ( khu vực nông thôn) so với lần điều chỉnh trước.
Tuy nhiên sau lần điều chỉnh vào tháng 10 năm 2014, xét thấy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định tạm thời không điều chỉnh giá nước như lộ trình.
Trong thời gian này, để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Công ty đã đầu tư một số dự án quan trọng như “Đầu tư xây dựng công trình mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông (giai đoạn 01)” và dự án “Đầu tư xây dựng công trình cấp nước huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang” với tổng mức đầu tư là 174,7 tỷ đồng, giải quyết một cách căn bản, toàn diện về nguồn nước sạch cho người dân huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Song song đó, Công ty cũng đầu tư các tuyến ống đấu nối nguồn nước khu vực đô thị vào nông thôn, khoan thêm một số giếng tầng sâu, nơi không có nguồn nước mặt, nhằm đảm bảo nguồn nước và chất lượng nước theo Quy chuẩn của Bộ Y tế.
Như vậy nếu thực hiện theo lộ trình điều chỉnh giá nước sạch thì đến thời điểm tháng 10 năm 2017 giá nước khu vực đô thị phải tăng 30% so với tháng 10 năm 2014. Tuy nhiên để việc tăng giá nước sạch phù hợp với nhu cầu thanh toán của người dân, ngày 01 tháng 11 năm 2017, UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành đơn giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó giá tiêu thụ nước sinh hoạt khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ điều chỉnh tăng 10% so với tháng 10 năm 2014. Và theo lộ trình, ngày 31/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành đơn giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Lần này giá nước cũng chỉ tăng 10% so với giá nước năm tháng 12 năm 2017 (áp dụng từ kỳ hóa đơn tháng 9 năm 2018) và chỉ tăng khu vực đô thị.
Tóm lại việc tăng giá lần này vẫn nằm trong lộ trình điều chỉnh giá nước theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang (vẫn thấp hơn tỷ lệ tăng của QĐ 28) nhằm bù đắp một phần chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất. Ngoài ra khu vực nông thôn vẫn áp dụng theo mức giá cũ.
Giá nước tăng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên khi giá tăng chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên, cụ thể: Giải quyết một cách căn bản, toàn diện về nguồn nước sạch cho người dân huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Đảm bảo chất lượng nước theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế ở khu vực nông thôn. Thời gian cấp nước đảm bảo liên tục với áp lực nước ổn định. Các dịch vụ sửa chữa ống bể, cụm thủy lượng kế được đáp ứng kịp thời. Ông Dũng cho biết |
PV: Như thế, giá nước sinh hoạt sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Công Dũng: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị về giải pháp cấp nước cho khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 15/6/2017, Công ty đã khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý phát sinh thực tế trong năm 2017.
Khi đó giá thành bình quân khu vực đô thị là 11.836 đ/m3. Đơn giá này chưa phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Trong thời gian chờ đợi Công ty nâng cao năng lực cấp nước ở khu vực nông thôn sau sáp nhập, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất cho Công ty tiếp tục điều chỉnh tăng giá bình quân 10% so với năm 2017 đối với khu vực đô thị (Giá nước bình quân là 9.945 đ/m3). Riêng khu vực nông thôn tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá nước.
Như vậy việc điều chỉnh giá nước nước lần này thực hiện theo lộ trình tăng giá nước tại Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang. Giá nước bình quân trong lần điều chỉnh này đều thấp hơn so với giá nước các tỉnh trong khu vực.
Hiện nay, một mặt Công ty đang tập trung cho công tác xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện công tác cổ phần hóa theo chủ trương của UBND tỉnh, mặt khác, Công ty đẩy mạnh công tác quản lý vận hành sản xuất, nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ, chống thất thoát ở khu vực nông thôn.
Để đảm bảo thực hiện các điều kiện trên, Công ty tiếp tục xây dựng phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý phát sinh thực tế trình UBND tỉnh trong thời điểm thích hợp. Khi đó sẽ không còn thực hiện theo lộ trình của Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND nữa.
PV: Ông vừa đề cập giá nước sinh hoạt của Tiền Giang hiện tại vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Ông Huỳnh Công Dũng: Giá nước được tính trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý phát sinh thực tế tại Công ty. Điều này lệ thuộc vào điều kiện sản xuất kinh doanh của từng Công ty do đó giá nước của mỗi Công ty sẽ khác nhau. Nơi nào có nguồn nước mặt dồi dào, không bị nhiễm mặn (Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang...) thì chi phí sản xuất thấp, nơi nào khó khăn về nguồn nước (Bến Tre, Tiền Giang) thì chi phí sản xuất cao hơn.
Nơi nào có nhiều khu vực sản xuất, công nghiệp, dịch vụ tập trung (Long An, Cần Thơ) thì chi phí sản xuất thấp, tỷ lệ thất thoát nước thấp. Nơi nào khu vực nông thôn nhiều thì chi phí đầu tư lớn, tỷ lệ thất thoát cao...
Riêng đối với Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang điều kiện sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Có 6/11 huyện, thị bị nhiễm mặn vào mùa khô (Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Tân Phú Đông), có 2 huyện khó khăn về nguồn nước mặt (Tân Phước, Châu Thành), có 70% khách hàng nằm ở khu vực nông thôn. Với những điều kiện khó khăn như trên, Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp cố gắng tiết giảm chi phí nhằm đưa ra giá thành phù hợp với giá nước ở khu vực lân cận.
Về giá nước các tỉnh đều không tính giá lũy tiến. Riêng Tiền Giang, đơn giá nước sinh hoạt có tính lũy tiến.
Theo thống kê, tại Tiền Giang có 80% khách hàng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt và phần lớn sử dụng ở mức đầu tiên (từ 1 m3 -10 m3/hộ tháng, giá 6.909 đ/m3). Do đó so sánh giá sinh hoạt ở mức đầu tiên thì Tiền Giang thấp hơn các tỉnh: Tiền Giang: 6.909 đ/m3; Bến Tre: 9.900 đ/m3; Long An: 7.200 đ/m3; Vĩnh Long: 7.900 đ/m3; Đồng Tháp 8.180 đ/m3. (Giá trên chứa tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 10%).
PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay ở cả đô thị cũng như nông thôn?
Ông Huỳnh Công Dũng: Thời gian qua, với các trạm nước sinh hoạt nông thôn do Công ty quản lý, Công ty đã tập trung nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng nước. Đầu tư mới các tuyến ống lớn để tiếp nhận nguồn nước của nhà máy nước Đồng Tâm cung cấp cho khu vực huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông. Xây dựng các tuyến ống đấu nối nguồn nước khu vực đô thị vào khu vực nông thôn. Đổi mới, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, hệ thống xử lý nước nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo theo Quy chuẩn của Bộ y tế.
Khoan thêm một số giếng tầng sâu nơi không có nguồn nước mặt để bổ sung sản lượng và nâng cao chất lượng nước. Áp dụng một số quy trình mới về xử lý nước: như khử Asen, chất hữu cơ. Hiện nay khu vực đô thị chất lượng nước đều đạt theo Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Còn đa số các trạm cấp nước khu vực nông thôn do Công ty quản lý đều đạt theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
PV: Xin cám ơn ông.
SƠN PHẠM (thực hiện)