.
Các huyện phía tây Tiền Giang:

Chống sạt lở với mô hình Kè giữ lục bình

Cập nhật: 14:24, 28/09/2018 (GMT+7)

Cần có cái nhìn khách quan về Kế hoạch trục vớt lục bình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở các huyện, thị phía Đông và mô hình Kè giữ lục bình kết hợp trồng cây chắn sóng ven bờ để phòng xói lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Trục vớt lục bình nhằm khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.                 Ảnh: VĂN THẢO
Trục vớt lục bình nhằm khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: VĂN THẢO

CHỐNG SẠT LỞ- KHÓ Ở KINH PHÍ

Đề cập về mô hình Kè giữ lục bình kết hợp trồng cây chắn sóng ven bờ để phòng xói lở, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười.

Theo quy hoạch kiểm soát lũ, Tiền Giang có các trục thoát lũ từ khu vực Đồng Tháp Mười chảy ra sông Tiền (các tuyến thoát lũ chảy qua địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh). Mặt khác, Tiền Giang là tỉnh giáp Biển Đông chịu ảnh hưởng mạnh của chế độ bán nhật triều và có biên độ triều rất lớn.

Từ đó, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và cả về tốc độ. Sạt lở thường xảy ra dọc các trục kinh, rạch là các tuyến giao thông thủy chính; các tuyến sông, kinh, rạch là trục thoát lũ, có mật độ tàu thuyền lưu thông lớn.

Theo số liệu thống kê từ năm 2010 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 545 điểm sạt lở bờ sông, kinh, với tổng chiều dài 26.135 m, kinh phí xử lý 154 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 93 điểm sạt lở, với chiều dài 22.919 m, tổng kinh phí xử lý hơn 80 tỷ đồng.

Như vậy, quy mô, mức độ sạt lở hiện nay lớn hơn, đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại hơn, không chỉ xảy ra trên kinh trục chính mà còn cả kinh cấp 2, cấp 3 làm ảnh hưởng đến nhà ở của người dân và sạt lở mất đường giao thông, đê bao, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê gây ngập úng đối với các tuyến dân cư, vườn cây ăn trái các huyện phía Tây là rất lớn.

Khác nhau về mục đích, ý nghĩa

Trục vớt lục bình trên sông, kinh, rạch theo Kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm làm cho lòng sông, kinh, rạch được thông thoáng, tăng khả năng chuyển tải nước trong sông, kinh, rạch, giảm ô nhiễm nguồn nước, tăng khả năng tích nước, trữ nước, tiêu úng nhanh khi mưa lớn, tăng khả năng dẫn nước cuối nguồn, nâng cao hiệu quả công tác tưới.

Trục vớt lục bình được thực hiện ở các tuyến sông, kinh, rạch nằm trong dự án khép kín, tuyến kinh có đoạn giáp nước, kinh cùng có lưu tốc dòng chảy thấp phát sinh nhiều lục bình, chủ yếu ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh.

Mô hình Kè giữ lục bình kết hợp trồng cây chắn sóng ven bờ nhằm phòng xói lở bờ sông, nâng cao ý thức của nhân dân trong tham gia phòng, chống xói lở góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong xử lý sạt lở; được thực hiện ở những tuyến sông, kinh, rạch có lưu tốc dòng chảy cao, ảnh hưởng mạnh chế độ bán nhật triều, biên độ triều lớn, hoạt động giao thông thủy nhiều; chủ yếu là các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Việc chống sạt lở trong thời gian qua tùy theo quy mô sạt lở. Việc khắc phục sạt lở bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong các năm qua trên địa bàn các huyện phía Tây đã áp dụng các công trình để xử lý như: Giải pháp xử lý bằng bê tông cốt thép tường đứng, kinh phí đầu tư xây dựng lớn (khoảng 40 - 50 triệu đồng/m dài) nhưng tuổi thọ công trình cao.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn kinh phí nên việc đầu tư xử lý bằng giải pháp này rất hạn chế, chỉ ưu tiên áp dụng cho những vị trí sạt lở nghiêm trọng, quy mô sạt lở lớn nơi có dòng chảy mạnh và sông sâu.

Đối với giải pháp xử lý bằng bê tông cốt thép kết hợp với tấm dal chắn đất (khoảng 15 - 20 triệu đồng/m dài) và giải pháp xử lý tạm thời bằng các vật liệu địa phương sẵn có như cừ tràm, bạch đàn, lưới B40 và bao đất để xử lý (khoảng 5 -7 triệu đồng/m dài) được địa phương áp dụng nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng giải pháp này phải tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, trồng cỏ trên phần đất đắp để hạn chế xói lở sau khi lớp bao chứa đất bị rách và có biện pháp bảo vệ cấm ghe tàu neo đậu.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới sẽ nghiêm trọng. Vì vậy, việc đúc kết kinh nghiệm dân gian tìm giải pháp hạn chế sạt lở với kinh phí thấp, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng, chống sạt lở là hết sức cần thiết.

CHỐNG SẠT LỞ BẰNG LỤC BÌNH

Qua họp trao đổi bàn bạc với các sở, ngành và địa phương đều thống nhất cao với mô hình kè giữ lục bình (dựng rào cây và lưới nhựa để giữ lục bình) và trồng cây (bần, tràm, gừa…) để phòng sạt lở và được UBND tỉnh phê duyệt tại Công văn 2967 ngày 30-6-2017 về cơ chế hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình.

Mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây được triển khai tại những vị trí kinh, rạch có độ dốc thấp, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở mặt và không có dòng chảy ngầm. Mô hình này dễ làm, dễ nhân rộng, kinh phí thực hiện thấp (200.000 đồng/m dài) nhưng có hiệu quả phòng sạt lở rất cao, được nhân dân và các địa phương đồng tình hưởng ứng.

Để thực hiện mô hình này, UBND tỉnh Tiền Giang giao các địa phương vận động nhân dân có đất dọc theo bờ sông, kinh, rạch thực hiện mô hình, ngân sách xã (huyện) hỗ trợ 50% (100.000 đồng/m dài), phần còn lại do nhân dân đóng góp bằng công lao động, cây, gỗ.

Mô hình kè giữ lục bình thực chất là rào giữ lục bình ven sông, kinh, rạch kết hợp trồng cây (tràm, bần, gừa, dừa nước…) nhằm phòng sạt lở mặt là chính. Mặt khác, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức của người dân sống dọc theo sông, kinh, rạch góp phần tiết kiệm kinh phí nhà nước cho việc xử lý sạt lở là việc làm thiết thực trong việc thực hiện Đề án 1002 ngày 13-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ là “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn, qua 1 năm thực hiện mô hình, ngày 17-8-2018 Sở NN-PTNT đã tổ chức sơ kết tình hình sạt lở và mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây.

Theo đó, trong năm 2017 các huyện, thị phía Tây đã thực hiện 21 mô hình, với chiều dài 3.385 m, với kinh phí hơn 556 triệu đồng và trồng 21.560 cây tràm, chiều dài 5.390 m, kinh phí 25 triệu đồng. Trong năm 2018, các huyện, thị  phía Tây dự kiến sẽ thực hiện 150 mô hình, chiều dài 9.515 m, với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng và trồng 60.640 cây tràm với chiều dài trồng 15.160 m, kinh phí khoảng 100 triệu đồng…

Về kế hoạch trục vớt lục bình

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh lục bình rất nhiều, đặc biệt là các vùng dự án thủy lợi đã được khép kín như Gò Công, Bảo Định, Đông Ba Rài, Tây Ba Rài… và trên các tuyến kinh, sông, rạch là đoạn tiếp giáp nước, các tuyến kinh cùng. Tuy nhiên, công tác tổ chức trục vớt lục bình ở các tuyến sông, kinh, rạch do đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chưa thực hiện thường xuyên, chưa triệt để.

Vào mùa mưa sẽ tạo thuận lợi cho lục bình tiếp tục phát triển rất nhanh làm bồi lắng lòng sông, kinh, rạch gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, có những đoạn còn gây ô nhiễm môi trường nước.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về trục vớt lục bình trên các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh, qua 2 tháng thực hiện, dòng chảy các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh thông thoáng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuận lợi trong việc tích trữ nguồn nước và tiêu úng khi mưa lớn, tăng diện tích tưới tự chảy, tăng khả năng dẫn nước đến khu vực cuối nguồn… góp phần phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình. Để duy trì thông thoáng dòng chảy trên sông, kinh, rạch, UBND tỉnh đã ban hành phương án để các địa phương và ban, ngành tỉnh thực hiện.

NHÓM PVKT

.
.
.