Công đoàn các khu công nghiệp: Nâng chất hoạt động Công đoàn
Chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở (CĐCS) quyết định sự phát triển của tổ chức Công đoàn (CĐ). Xác định nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua Công đoàn các Khu công nghiệp (CĐCKCN) đã nỗ lực hỗ trợ CĐCS ở các doanh nghiệp (DN) trong các khu, cụm công nghiệp khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động.
Nâng chất hoạt động CĐ là cách tạo niềm tin cho NLĐ trong DN. Ảnh: LÝ OANH |
NHIỀU CHUYỂN BIẾN, LẮM KHÓ KHĂN
Những năm qua, hoạt động của CĐCKCN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, CĐCKCN và các CĐCS trực thuộc đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ), mở rộng hoạt động, phát triển công đoàn viên.
Cùng với đó, CĐCKCN và các CĐCS thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động tại các DN; tuyên truyền, giáo dục… đã giúp NLĐ nâng cao hiểu biết pháp luật Nhà nước, làm tốt nghĩa vụ công dân, từng bước xây dựng tác phong lao động công nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cũng được CĐCKCN và CĐCS quan tâm...
Từ đó, vai trò của CĐCS từng bước được phát huy, là chỗ dựa tin cậy của công nhân, lao động, qua đó tiếng nói của Công đoàn từng bước được người sử dụng lao động chú ý. Từ những cách làm trên, NLĐ ngày càng hiểu biết nhiều hơn về vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức CĐ, tự nguyện xin gia nhập tổ chức CĐ ngày càng đông.
Theo CĐCKCN, đến nay CĐCKCN có 65 CĐCS trực thuộc tại các DN trong các khu, cụm công nghiệp; trong đó, có 20 DN vốn trong nước, 45 DN vốn đầu tư nước ngoài, với 66.384 công đoàn viên trên 71.116 công nhân, lao động. Ngoài ra, CĐCKCN còn quản lý 36/37 khu nhà trọ công nhân tự quản, với gần 5.000 công nhân, lao động ở trọ. |
Bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động CĐ tại các DN vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số DN chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; DN mới đi vào hoạt động còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ chưa ổn định, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng bữa ăn ca; vào các đợt cao điểm, DN tập trung sản xuất nên công nhân không có thời gian tham gia các hoạt động do CĐ tổ chức; một bộ phận NLĐ chưa tham gia CĐ do ngại đóng công đoàn phí...
Tại một số DN, NLĐ có sáng kiến mang lại lợi ích rất lớn nhưng không được nhân rộng ra các đơn vị khác trong cùng ngành nghề do sợ lộ bí mật kinh doanh. Mặt khác, đa số cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm, bận công việc chuyên môn hay sản xuất nên không có thời gian thực hiện công tác CĐ…
Nói về khó khăn cụ thể của CĐCS Công ty TNHH Dệt Kangna Việt Nam, lãnh đạo CĐCS công ty cho biết, khó khăn trong hoạt động CĐCS của công ty là do công ty làm việc 3 ca nên công nhân, lao động không tham gia đầy đủ các cuộc họp do CĐ tổ chức.
Nâng chất hoạt động CĐ là cách tạo niềm tin cho NLĐ trong DN. |
NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG CĐ
Phải nói rằng, thời gian qua, CĐCS tại một số DN đã phát huy được vai trò cầu nối giữa NLĐ và DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều CĐCS gặp khó khăn. Theo Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) Lê Thị Ngọc Hân, từ khi thành lập CĐCS, nhận thức của công nhân, lao động được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất, kinh doanh nên công nhân, lao động rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham dự các buổi thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật, tổ chức CĐ; tham gia các hoạt động về văn hóa, thể thao... do CĐCS hoặc CĐCKCN tổ chức.
Do đó, để tạo điều kiện cho công nhân công ty tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… do CĐCKCN tổ chức, CĐCS công ty kiến nghị CĐCKCN chọn địa điểm tổ chức gần khu công nghiệp; đồng thời, tổ chức thêm các khóa đào tạo nghiệp vụ cho Ban Chấp hành CĐCS công ty…
Để nâng cao nhận thức cho công đoàn viên là công nhân, lao động trong các khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch CĐCKCN Nguyễn Thị Thùy Dương cho rằng, trong thời gian tới, các CĐCS cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động và người sử dụng lao động về những quy định của pháp luật lao động và pháp luật CĐ; về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, sự cần thiết của tổ chức CĐ trong DN để chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động. Đồng thời, các CĐCS cần tổ chức các phong trào, hoạt động trong DN mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ, góp phần phát triển DN.
Các CĐCS cần phối hợp với lãnh đạo công ty tổ chức đối thoại định kỳ, hội nghị NLĐ để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ, qua đó tạo uy tín với lãnh đạo DN và lòng tin với NLĐ.
CĐCS cần hiểu biết pháp luật, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, năng động, sáng tạo, đoàn kết trong nội bộ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của công đoàn viên và công nhân, lao động, bám sát phương hướng hoạt động CĐ; đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động.
Để nâng cao chất lượng hoạt động CĐ và xây dựng CĐCS vững mạnh, thời gian tới CĐCKCN sẽ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ theo chuyên đề (bằng phương pháp mới) cho các chủ tịch CĐ trong các DN; duy trì họp Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nữ công và các Tổ CĐ đúng quy định Điều lệ CĐ Việt Nam…
LÝ OANH