.

Người Việt đạt giải thưởng quốc tế "Quốc gia thông minh" là ai?

Cập nhật: 09:52, 06/10/2018 (GMT+7)

Với danh hiệu đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC Group đã trở thành Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng quốc tế danh giá về “Quốc gia thông minh”.

Tại thời điểm hiện nay, mọi quốc gia đều đang hướng tới đô thị thông minh để quản lý kinh tế hiệu quả, cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, việc Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế danh giá về "Quốc gia thông minh" đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng.

Giải thưởng quốc tế ở lĩnh vực Quốc gia thông minh đầu tiên của Việt Nam

Tối 1/10, vượt qua hàng trăm đối thủ mạnh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Estonia,…Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc đã xuất sắc giành giải thưởng "Ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất" tại cuộc thi toàn cầu về thành phố thông minh 2018 do Tổ chức thành phố thông minh thế giới tổ chức ở London, Anh.

a
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trái), Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn AIC, nhận giải "Ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh". Ảnh:TTXVN

Đây là một tin vui dành cho giới công nghệ Việt Nam và cũng là niềm tự hào cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới vì lần đầu tiên một giải thưởng danh giá đã được cộng đồng quốc tế trao cho cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực Quốc gia thông minh (QGTM) trong khuôn khổ một cuộc thi có quy mô toàn cầu.

Được biết giải pháp “Quốc gia thông minh” do Viện sĩ, tiến sĩ Nhàn là người sáng tạo và thiết kế toàn hệ thống cùng với đội ngũ cán bộ của Tập đoàn AIC được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao nhất do thể hiện được quy mô kết nối đồng bộ từ các cơ quan lãnh đạo Trung ương cho tới các bộ, ngành, các tỉnh thành và thậm chí tới cả các cấp cơ sở như nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp,…

“Bao trùm lên mô hình kết nối này là các tiện ích và hàng loạt ứng dụng thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, thông tin thời gian thực, trí tuệ nhân tạo, thuật toán phân tích dự báo, tạo thành hệ thống trung tâm điều hành tích hợp các cấp, hiện thực hoá mô hình tương tác đa chiều và lợi ích bao trùm cho hơn 20 nhóm đối tượng hưởng lợi: từ lãnh đạo, nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, bác sĩ, bệnh nhân, giáo viên, học sinh, du khách cho tới người dân nói chung và mọi thành phần khác trong toàn xã hội”, nữ tiến sĩ - doanh nhân Thanh Nhàn chia sẻ.

Ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh của AIC đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, sẵn sàng hợp tác từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như ông David Lum, Giám đốc bộ phận giải pháp kỹ thuật và kỹ thuật số- Công ty Oracle khẳng định công ty hoàn toàn hỗ trợ chương trình quốc gia thông minh tại Việt Nam với AIC-đối tác chiến lược của Oracle, và khẳng định sẽ cung cấp những phương thức AIC cần để phát triển dự án quốc gia thông minh.

a
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận danh hiệu “Đại sứ thành phố thông minh quốc tế” và “CEO” có tầm nhìn xuất sắc nhất về quốc gia thông minh”. Ảnh TTXVN.

Giám đốc khối Thành phố số, John Patrick Lockhart, của Tập đoàn Dell Technologies cũng khẳng định sự hợp tác giữa Dell và AIC trong các dự án nhằm cải thiện dịch vụ chính phủ điện tử, cuộc sống của người dân, và đưa những lĩnh vực như thành phố an toàn đến với dự án công nghệ IOT, kiểm soát giao thông...

Chân dung viện sỹ với "tấm lòng vàng"
Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển của đất nước thông qua hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam.

a
Từ cô học trò nghèo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nay đã trở thành Doanh nhân rồi Viện sỹ, tiến sĩ khoa học.

Những năm 2000, bà Thanh Nhàn "nổi như cồn" trong làng xuất khẩu lao động Việt Nam và doanh nghiệp của bà cũng đứng đầu cả nước về lĩnh vực này.

Bà Nhàn cũng là người đầu tiên nghĩ ra và thực hiện hiệu quả chính sách "hai chiều": Đưa lao động đi và 3-5 năm sau về nước lại nhận chính lao động mình đưa đi cung ứng cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm của bản thân trong các chuyến công tác nước ngoài, nhìn thấy những mô hình mới có thể giúp ích cho người dân Việt Nam, từ năm 2008 tới nay, Cty AIC của bà đã tiên phong đầu tư lớn, bài bản trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, giáo dục và đào tạo. Trong hơn 10 năm qua, Cty AIC, đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có thành tích xuất sắc trong việc khảo sát đánh giá thực tế và tổ chức ứng dụng công nghệ vào đời sống đất nước Việt Nam.

Cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng các công nghệ mới để xử lý nước thải, trong đó có các bệnh viện, đô thị và làng nghề; Ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin; Ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học; Tham gia phát triển công nghệ sóng cộng hưởng để nâng cao chất lượng nhiên liệu; Ứng dụng công nghệ tế bào gốc và nhận dạng gen để góp phần tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và trong các thảm họa, thiên tai. Ứng dụng nguồn năng lượng mới trên cơ sở các từ trường. Ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam để xử lý vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là công nghệ trồng rừng ngập mặn. Đưa nhiều ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao của Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan vào ngành Nông nghiệp Việt Nam để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

a
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN trao giải thưởng viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014, và ngôi sao Vernadski cho Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Ngoài việc phát triển về kinh doanh, tiến sĩ Thanh Nhàn cũng đã triển khai nhiều chương trình giúp đỡ hỗ trợ hàng chục ngàn người nghèo tìm cơ hội việc làm; hỗ trợ hàng ngàn sinh viên nghèo làm việc tại nước ngoài và tổ chức các chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam ra quốc tế; hỗ trợ kêu gọi đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam…

Hỗ trợ tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hoá nghệ thuật nổi tiếng như lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản tại Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành phố được đánh giá là đẹp và độc đáo nhất tại Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, công ty AIC đã hỗ trợ cùng VTV đầu tư kênh truyền hình giáo dục Việt Nam VTV7 phát sóng từ tháng 01//2016. Kênh truyền hình này được lập ra với mong muốn tạo ra sự công bằng trong giáo dục cho mọi đối tượng trong xã hội và được các em học sinh rất yêu thích.

Bên cạnh đó, nữ tiến sĩ đã hỗ trợ cho bà con nông dân xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản sang nước ngoài trong những lúc thị trường đang khó khăn như xuất khẩu vải thiều, chuối sang nhiều nước và xuất khẩu thủy sản cho các tỉnh Miền Trung sang nước ngoài khi có sự cố về môi trường.
Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng là người có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ đàm phán thành công trong việc giải quyết sự cố môi trường của tập đoàn Formosa năm 2016 tại Việt Nam.

Được biết, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người đã đạt được rất nhiều danh hiệu lớn của thế giới và Việt Nam trong gần 20 năm qua như: Viện sĩ xuất sắc trong 10 năm liên tục từ 2005 đến 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ các hệ thống CHLB Nga; Giải thưởng doanh nghiệp Asean tiêu biểu, được tạp chí Forbes Mỹ bình chọn là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017; Giải thưởng Bông hồng vàng; Giải thưởng Sao đỏ; Giải thưởng 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam 2004 ...

Nhận xét về những công lao và đóng góp của bà,Ông Igor Dorokhov - Chủ tịch Viện IASS nhận xét: “Bà Nhàn là người có những nỗ lực to lớn và sự khiêm tốn đặc biệt. Bà đã có đóng góp lớn lao và phát triển những ý tưởng khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống."

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.