.

Tiền Giang: Lũ kết hợp triều cường tiếp tục uy hiếp

Cập nhật: 23:18, 11/10/2018 (GMT+7)

Chiều tối 11-10, triều cường kết hợp với lũ đổ về uy hiếp nhiều diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây. Ngoài ra, triều cường cũng đã gây ngập cục bộ tại thị trấn Cái Bè và TP. Mỹ Tho.

Triều cường uy hiếp các huyện phía Tây     

Tại huyện Cái Bè, một số vườn cây ăn trái bị nước tràn vào và đang có dấu hiệu chết. Lúc triều cường dâng cao, nhiều nhà vườn phải túc trực để gia cố bờ bao của vườn mình.

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó triều cường tại TP. Mỹ Tho.
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó triều cường tại TP. Mỹ Tho.

Bà Trang Thị Liễu (ngụ ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) có hơn 60 cây mít 1 năm tuổi và 3 cây nhãn đang suy kiệt dần do triều cường tràn vào.

Bà Liễu cho biết, mặc dù gia đình đã gia cố hệ thống bờ bao khá hoàn chỉnh nhưng áp lực nước quá lớn đã buộc chủ một ao nuôi cá giáp sông Tiền xả nước vào để tránh vỡ bờ bao. Từ đó, nước tràn vào vườn nhà bà và gây thiệt hại cho vườn cây ăn trái.

Vợ chồng ông Trần Thanh Nhàn gia cố bờ bao xung quanh vườn.
Vợ chồng ông Trần Thanh Nhàn gia cố bờ bao xung quanh vườn.

Gần đó, vợ chồng ông Trần Thanh Nhàn cũng đã dùng đất để gia cố bờ bao suốt mấy ngày qua. Khi thủy triều lên, ông lại đi kiểm tra xung quanh vườn.

Ông Nhàn cho biết: “Kiểm tra cho vui vậy thôi! Chứ vỡ bờ thì đứng đó mà nhìn, xử lý gì được. Bởi mực nước bên ngoài cao hơn trong đê gần cả mét”.

Mấy ngày qua, nước đã tràn qua lộ và chảy thẳng vào vườn của ông Trần Ngọc Phát ở xã Hòa Khánh. Ông phải huy động nhiều anh em trong gia đình dùng bao cát đắp dọc theo con lộ, dùng mủ kéo chắn xung quanh vườn và túc trực lúc thủy triều lên cao. Ông Phát cho biết, 10 năm nay, đây là con nước cao nhất và khiến nhà vườn phải vất vả nhất.

Lúc 19 giờ ngày 11-10, một số đoạn đường, nhà cửa, quán… tại thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè đã bị ngập sâu. Phương tiện và người dân đi lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là những tuyến đường, ngôi nhà, quán… nằm gần sông Tiền.

Tại xã Long Trung (huyện Cai Lậy), mặc dù địa phương và người dân dùng bao cát để gia cố nhiều tuyến đê cặp các con sông không có hệ thống cống, nhưng nước vẫn len lỏi chảy vào bên trong và ngày một nhiều hơn. Người dân phải thường xuyên kiểm tra dọc theo những tuyến đê này để tránh tràn, vỡ bờ bao.

TP. Mỹ Tho chủ động ứng phó triều cường

Chiều 11-10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lê Văn Hưởng tiếp tục đến kiểm tra công tác ứng phó triều cường tại TP. Mỹ Tho.

Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Mười cho biết, triều cường chiều 11-10 đã gây ngập một số nơi nằm ở khu vực ngoài đê. Mực nước cao hơn bình thường khoảng 0,2 m, có những đoạn nước mấp mé huyện lộ 24. Còn khu vực trong đê thì không bị ảnh hưởng của triều cường do đã đóng cống.

Theo báo cáo nhanh, đỉnh triều tại cống Bảo Định đạt đỉnh 1,48 m vào lúc 17 giờ 30 phút.

So với chiều 10-10, đỉnh triều chiều 11-10 thấp hơn, một phần do cống Bảo Định tiến hành lấy nước 1 cửa.

Trước đó, để ứng phó với triều cường, TP. Mỹ Tho đã huy động hơn 150 người gồm lực lượng Quân sự, Công an… để tiến hành đắp bờ bao tạm tại một số đoạn dọc sông Bảo Định.

TP. Mỹ Tho dùng bao cát lấp các cống thoát nước để ngăn triều cường tại phường 10.
TP. Mỹ Tho dùng bao cát lấp các cống thoát nước để ngăn triều cường tại phường 10.

Bên cạnh đó, một số cống thoát nước trên địa bàn phường 10 cũng được lắp lại nên hạn chế nước tràn vào. Theo đánh giá, TP. Mỹ Tho đã có chủ động trong ứng phó với triều cường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã ghi nhận nỗ lực của TP. Mỹ Tho trong công tác ứng phó triều cường; đồng thời, yêu cầu địa phương phải rút bao cát lắp ở miệng cống để nước thoát khi triều rút.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, mực nước ngày hôm nay có giảm so với hôm qua. Đến thời điểm này, ngành chuyên môn chưa ghi nhận thiệt hại do lũ kết hợp với triều cường gây ra.

Dưới đây là một số hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được.

Thủy triều lên cao đã uy hiếp một ao cá và vườn cây ăn trái cặp sông Tiền ở xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè).
Thủy triều lên cao đã uy hiếp một ao cá và vườn cây ăn trái cặp sông Tiền ở xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè).
Một đoạn đê ở xã Hòa Khánh bị nước rỉ vào bên trong rất nhiều.
Một đoạn đê ở xã Hòa Khánh bị nước rỉ vào bên trong rất nhiều.
Những ngôi nhà ven sông Tiền ở xã Hòa Khánh bị ngập sâu.
Những ngôi nhà ven sông Tiền ở xã Hòa Khánh bị ngập sân
Ông Dương Ngọc Phát gia cố lại bờ bao của vườn nhà.
Ông Dương Ngọc Phát gia cố lại bờ bao của vườn nhà.
Người dân túc trực canh bờ bao khi thủy triều lên cao.
Người dân túc trực canh bờ bao khi thủy triều lên cao
Tối 11-10, nước đã ngập sâu một số tuyến đường ở thị trấn Cái Bè.
Tối 11-10, nước đã ngập sâu một số tuyến đường ở thị trấn Cái Bè
Nhiều em nhỏ ở thị trấn Cái Bè dùng xuồng phao để đùa giỡn khi nước ngập sâu.
Nhiều em nhỏ ở thị trấn Cái Bè dùng xuồng phao để đùa giỡn khi nước ngập sâu.
Nước ngập nặng ở một tuyến đường ven sông thuộc thị trấn Cái Bè.
Nước ngập nặng ở một tuyến đường ven sông thuộc thị trấn Cái Bè.
Nước rỉ vào rất nhiều ở một tuyến đê bao ở ấp 12, xã Long Trung (huyện Cai Lậy) vào tối 11-10.
Nước rỉ vào rất nhiều ở một tuyến đê bao ở ấp 12, xã Long Trung (huyện Cai Lậy) vào tối 11-10.
Hơn 150 người gồm quân sự, công an được huy động để ứng phó với triều cường tại TP. Mỹ Tho.
Hơn 150 người của lực lượng Quân sự, Công an được huy động để ứng phó với triều cường tại TP. Mỹ Tho.

 

SĨ NGUYÊN - M. THÀNH

.
.
.