Môi trường chăn nuôi trong xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, ngành Chăn nuôi của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế gây ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý chất thải chăn nuôi để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Song, do đàn vật nuôi lớn, với hơn 600.000 con heo nên việc hoàn thành các chỉ tiêu này cũng gặp không ít khó khăn.
Nhiều trang trại nuôi heo lớn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sau biogas khá hoàn chỉnh nên giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước. |
Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) là xã có số lượng đàn heo rất lớn của tỉnh, với hơn 40.000 con heo; trong đó, quy mô từ 100 con trở lên có đến 250 trang trại.
Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười cho biết: “Mặc dù số lượng đàn heo trên địa bàn xã rất lớn nhưng đa số đều xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Trang trại lớn thì xây hầm có khối lượng lớn hoặc 2 - 3 hầm. Đối với chuồng nuôi nhỏ, hộ nuôi cũng làm hầm biogas bằng composite. Ngoài ra, nhiều hộ dân xây thêm các hầm lắng lọc để xử lý nước sau hầm biogas, trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Từ đó hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí so với trước đây”.
Trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 8 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định… Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia NTM. Bởi lẽ, đây là vấn đề lớn của cả nước, nhất là đối với một nước nông nghiệp. Vì vậy, nó đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý đủ sức răn đe… |
Việc chăn nuôi với quy mô lớn khó tránh khỏi ô nhiễm môi trường không khí. Một số khu vực có nhà xung quanh trang trại ở xã Xuân Đông cũng phiền hà vì mùi hôi từ các trang trại, nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt do chủ trang trại không kịp dội rửa chuồng vào buổi sáng và buổi chiều.
“Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia NTM trên địa bàn xã Xuân Đông, lãnh đạo xã đang tập trung hoàn thành các tiêu chí để sớm được công nhận xã NTM, trong đó có yêu cầu tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 70% trở lên. Thế nhưng, đến thời điểm này xã chỉ đạt 60%”- Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười nói.
Xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) đang cố gắng hoàn thiện các tiêu chí NTM để tháng 12 này ra mắt xã NTM.
Trao đổi về việc thực hiện yêu cầu hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 70% trở lên trong Bộ tiêu chí quốc gia NTM, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bùi Văn Trăn cho biết, chỉ tiêu này rất khó thực hiện; bởi đây thuộc về ý thức người chăn nuôi. Chính quyền thường xuyên vận động, nhắc nhở và cho làm cam kết đối với những hộ chăn nuôi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, toàn xã có trên 1.100 con heo, trong đó có 4 trang trại lớn. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều xây dựng hầm biogas cố định hoặc bằng composite.
“UBND xã phải thường xuyên kiểm tra, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. 100% hộ dân trên địa bàn xã đều đã cam kết thực hiện. Qua kiểm tra, người chăn nuôi đã thực hiện tương đối tốt”- Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Trăn nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh), đến cuối tháng 9-2018, các xã dự kiến ra mắt xã NTM 2018 đều đạt nội dung 17.7 của tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm là tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 70% trở lên. Tuy nhiên, mức độ đạt của nhiều xã không cao.
Cụ thể, xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) đạt 71,3%, xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) đạt 70,1%, xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) đạt 72,09%, xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) đạt 70,68%...
Mô hình xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi đã và đang góp phần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi, làm động lực cho người chăn nuôi gia tăng số lượng đàn gia súc.
Đồng thời, mô hình này còn tạo nguồn năng lượng tái tạo sạch phục vụ đời sống người dân như: Đun nấu, thắp sáng, thay thế một phần cho nguồn năng lượng truyền thống, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn và hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM...
S.N - TTKN