Nơi chuyển hóa những con người lầm lỗi
35 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Trại giam Mỹ Phước (gọi tắt là Trại) đã vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân. Ðến nay, Trại đã trả về cho xã hội hàng ngàn người sau cải tạo; giảm án, đặc xá cho hàng chục ngàn lượt phạm nhân cải tạo tốt.
Vào dịp lễ, tết, Trại thường tổ chức cho phạm nhân gói bánh, thi đấu thể thao…, tạo không khí vui tươi, thi đua sôi nổi trong phạm nhân. |
VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN
Trại giam Mỹ Phước thuộc Cục C10 - Bộ Công an ngày nay, tiền thân là Trại Giáo hóa, được thành lập vào tháng 10-1946, tại xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trại không có chỗ ở cố định, mà phải di chuyển nhiều nơi để đảm bảo an toàn và hoàn thành nhiệm vụ quản lý, giam giữ phạm nhân.
Sau ngày 30-4-1975, Trại tiếp quản khu trù mật của chế độ cũ để lại tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nay thuộc TX. Cai Lậy) để giam giữ số ngụy quân, ngụy quyền và tội phạm hình sự.
Do yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Trại giam mô hình tổ chức của Công an tỉnh Tiền Giang, năm 1983 Trại chính thức được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Quyết định thành lập với tên gọi “Trại cải tạo Mỹ Phước”.
Năm 2005, Bộ Công an có Quyết định chuyển Trại giam Mỹ Phước thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, đặt trực thuộc Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng, quy mô giam giữ 2.000 phạm nhân và có 2 phân trại.
35 năm qua, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân luôn được đơn vị xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, mỗi CB-CS luôn nêu cao tính kỷ luật, tự giác và trách nhiệm trong công việc được giao.
Ðảng ủy, Ban Giám thị Trại giam luôn nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên toàn thể CB-CS nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa Trại từng bước tiến lên.
Tập thể lãnh đạo Trại luôn nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm đối với CB-CS. Tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ.
Trong đó, Trại luôn coi trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa cho CB-CS. Những năm qua, Trại đã cử nhiều CB-CS đi học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ðáng chú ý, cán bộ, lãnh đạo Trại chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, rèn luyện đội ngũ CB-CS trong sạch, vững mạnh, có tinh thần sáng tạo, vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kỳ đất nước đổi mới.
HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ
Trại hiện có 2 phân trại với gần 300 CB-CS, đang quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo gần 2.000 phạm nhân, mức án tù từ chung thân trở xuống. Số phạm nhân có tiền án chiếm trên 25%, tái phạm chiếm trên 17%, tái phạm nguy hiểm chiếm gần 10%, riêng phạm nhân nhiễm HIV và các bệnh xã hội chiếm trên 10%.
Những con số đó cho thấy công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân gặp rất nhiều khó khăn, bởi tính chất tội phạm đa dạng, phức tạp, nhất là những đối tượng có tiền án, tái phạm nhiều lần và có bệnh xã hội.
Song, với vai trò, trách nhiệm được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành và nhân dân giao phó, Đảng ủy, Ban Giám thị cùng toàn thể CB-CS của đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lấy yêu thương để cảm hóa lầm lỗi, quyết tâm đưa phạm nhân trở lại con đường hoàn lương.
Thân nhân tham quan thực tế nơi ăn, nghỉ của các phạm nhân. |
Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước cho biết: “Trại giam giữ khá đông phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự và mức án cao; ở nhiều vùng, miền; khác nhau về độ tuổi, học vấn, nhận thức… nên rất phức tạp.
Để giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỡ, vi phạm pháp luật trở thành những con người mới với nhận thức đúng đắn về pháp luật cũng như nhân cách sống, Ban Giám thị cùng toàn thể CB-CS Trại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương và thân nhân gia đình phạm nhân tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp giáo dục như: Tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phước mở nhiều lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho nhiều phạm nhân; tổ chức tốt việc tuyên truyền pháp luật, dạy nghề cho phạm nhân…
Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, tạo cho phạm nhân tâm lý thoải mái và tự giác trong lao động. Qua đó, công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân đạt hiệu quả tích cực”.
Dự buổi Hội nghị Gia đình phạm nhân năm 2017 và năm 2018, chúng tôi được tham quan Trại và không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều công trình cảnh quan và các công trình phúc lợi của Trại... do chính bàn tay khéo léo và những kiến thức tiếp thu được từ việc học nghề, cộng với sự sáng tạo của phạm nhân xây dựng nên. Đặc biệt, được chứng kiến không khí dân chủ và chính sách nhân đạo của Ðảng, Nhà nước đang được thực hiện đối với những người đã từng lầm lỗi.
Dẫn các gia đình phạm nhân đi tham quan nơi ăn, ở, sinh hoạt của phạm nhân, một Phó Giám thị cho biết: Trại trang bị hơn 2.500 đầu sách cho phạm nhân đọc; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để các phạm nhân tham gia.
Các phân trại đều có hệ thống truyền hình cáp đến từng buồng giam, có nhà học tập, thư viện cho phạm nhân mượn sách, báo đọc hằng ngày.
Vào các dịp lễ, tết, Trại còn tổ chức cho phạm nhân gói bánh chưng, thi vẽ tranh, viết báo tường, trang trí buồng giam, thi đấu bóng chuyền, cầu lông và còn mời các ca sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn cho phạm nhân thưởng thức…, tạo không khí vui tươi, thi đua sôi nổi trong phạm nhân.
Qua đó, phạm nhân và thân nhân phạm nhân thấy được sự quan tâm về đời sống tinh thần, vật chất của Trại, từ đó quyết tâm học tập, cải tạo tốt…
Cô Phan Thị Ngọc Hà là mẹ phạm nhân Dương Thành Đạt xúc động nói: “Được tham quan nơi học tập, nơi ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi giải trí của phạm nhân và biết được việc chấp hành án của con em mình nơi đây rất tốt, tôi và mọi người rất vui mừng!”.
Ông Nguyễn Văn Hai, thân nhân phạm nhân Nguyễn Sơn Tùng cũng phấn khởi khi được tham quan nơi ăn chốn ở của phạm nhân. Ông Hai chia sẻ: “Khi chưa được tham quan Trại, tôi cứ lo lắng không biết cháu mình có được ăn uống đầy đủ, được vui chơi, giải trí…; sau khi được cán bộ dẫn đi tham quan, tôi rất phấn khởi bởi trong Trại có ti vi, sân bóng, chỗ đọc sách, chỗ nấu ăn khang trang, sạch sẽ… và cán bộ Trại giam ân cần, nhiệt tình, tôi mừng lắm!”.
Với sự nỗ lực vượt bậc của toàn đơn vị trong việc cảm hóa phạm nhân trên con đường hoàn lương, Trại giam Mỹ Phước đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất vào năm 1985; Cờ thi đua của Bộ Công an, Cờ thi đua của Tổng cục VIII; nhiều năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh và Công an tỉnh Tiền Giang tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen…
Rời Trại, chúng tôi vẫn còn nhớ những ánh mắt ăn năn hối lỗi của các phạm nhân đang khát vọng hoàn lương và nhớ những lời chia sẻ đầy xúc động của phạm nhân Nguyễn Tấn Lộc: “Trong quá trình cải tạo, tôi mới thấy được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống và tình yêu thương con người. Cán bộ Trại đã cho tôi niềm tin và khát khao được làm lại cuộc đời!...”.
Thật vậy, cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, không phải lúc nào cũng là một con đường phẳng, toàn màu hồng; có người đã bị lạc lối, vấp ngã. Những lúc ấy rất cần xã hội và gia đình tha thứ lỗi lầm, giúp họ làm lại cuộc đời, tạo dựng cuộc sống mới. Trại giam Mỹ Phước đã làm được điều ấy - một việc làm đầy tính nhân văn, góp phần hồi sinh những cảnh đời lầm lỗi.
HOÀI THU