.

Xây dựng nông thôn mới đang đi đúng hướng

Cập nhật: 16:21, 05/12/2018 (GMT+7)

So với nhiều tỉnh, thành khác, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Tiền Giang được đánh giá là “đi sau”. Song, do được đầu tư đúng hướng nên Tiền Giang đang vươn lên tốp đầu trong vùng về xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, hết năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 12 xã đạt chuẩn NTM. Do xuất phát điểm ở các xã thấp, cộng thêm nguồn lực đầu tư có hạn, nên quá trình xây dựng NTM ở tỉnh thời gian qua có phần chậm hơn một số địa phương khác. Cụ thể, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 40/144 xã đạt chuẩn NTM.

Tiền Giang chú trọng nâng cao đời sống người dân trong xây dựng NTM.
Tiền Giang chú trọng nâng cao đời sống người dân trong xây dựng NTM.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung, phong trào xây dựng NTM ở Tiền Giang có nhiều điểm sáng.

Trong đó, tỉnh có nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đạt kết quả cao so với mặt bằng chung của vùng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung cũng đạt tỷ lệ rất cao so với khu vực.

Dù tiến độ xây dựng NTM ở tỉnh còn chậm nhưng điều đáng ghi nhận là không có nợ đọng trong xây dựng NTM. Qua đó cho thấy Tiền Giang xây dựng NTM “chậm mà chắc”.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh:

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn NTM.

Việc thẩm định các xã đạt chuẩn NTM phải đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Điều quan trọng nhất là chất lượng cuộc sống của người dân ở những xã đã ra mắt NTM phải được nâng lên so với trước đây; không nên dừng lại ở việc làm sao để đảm bảo đạt các tiêu chí đặt ra.
 

Tuy nhiên, đó chỉ là “câu chuyện” từ năm 2017 trở về trước. Bởi hiện tại, phong trào xây dựng NTM của tỉnh đang đi đúng hướng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến hết tháng 11-2018, toàn tỉnh có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM ở tỉnh lên 60 xã.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Dũng, công tác xây dựng NTM ở tỉnh “đi sau” các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do được đầu tư đúng hướng nên đến thời điểm này, Tiền Giang đã vươn lên đứng thứ 2 trong vùng về xây dựng NTM (chỉ sau tỉnh Long An).

Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, đến năm 2017, tỉnh đã bắt đầu tăng tốc trong xây dựng NTM bằng cách đặt ra những mục tiêu cao hơn. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã điều tra và chọn ra 45 xã để tập trung đầu tư xây dựng NTM từ nay đến năm 2020.

Có khả năng bình quân mỗi năm, tỉnh sẽ có thêm khoảng 20 xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, theo kế hoạch, tỉnh sẽ có 100 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Song song đó, tỉnh đã chọn 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.

“Rút kinh nghiệm từ các năm qua, tỉnh sẽ làm chặt chẽ, điều tra cụ thể từng tiêu chí và đặt ra lộ trình xã nào đến thời điểm nào phải hoàn thành tiêu chí đó. Việc xác định mục tiêu sớm nhằm lồng ghép vốn đầu tư trung hạn và các nguồn vốn khác để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở những nơi chưa đạt” - đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, để đạt mục tiêu đề ra, Tiền Giang cần đưa ra lộ trình cụ thể cho từng nhóm xã; đồng thời, khắc phục những tiêu chí hiện đang đạt thấp.

Tỉnh cần lưu ý đến vấn đề phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Tiền Giang cần sớm tập trung triển khai kế hoạch chi tiết và lựa chọn địa phương để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ.

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh là tập trung nâng chất các xã đạt chuẩn NTM, để đảm bảo đến năm 2020 các đã đạt chuẩn NTM vẫn duy trì và giữ vững mức độ đạt 19/19 tiêu chí.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bổ sung danh mục công trình trường học, trạm y tế cần bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để các xã phấn đấu ra mắt NTM giai đoạn 2019 - 2020. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng từ 10 - 15 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu.

Tiêu chí sản xuất là vấn đề được tỉnh Tiền Giang quan tâm hàng đầu trong xây dựng NTM.                                                                                                Ảnh: MINH THÀNH
Tiêu chí sản xuất là vấn đề được tỉnh Tiền Giang quan tâm hàng đầu trong xây dựng NTM. Ảnh: MINH THÀNH

Ý nghĩa cuối cùng của việc xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Do đó, ngoài việc hoàn thành kế hoạch đề ra, thì việc chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết, tiêu chí sản xuất là vấn đề tỉnh quan tâm hàng đầu. Do đó, tỉnh đang tập trung triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm và tập trung hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là hỗ trợ nguồn lực, quản trị hợp tác xã…

“Với nguồn lực và sự nỗ lực chung, từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh đã tính kỹ và cân đối các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng NTM. Tỉnh sẽ phấn đấu không nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM” - đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.

M. THÀNH

.
.
.