Xã Tam Bình: Dấu ấn Nghị quyết "Tam nông"
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết “Tam nông”), xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Mô hình chuyên canh sa pô Mehico kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch của ông Phan Văn Mỹ ở ấp Đông Hòa. |
1. Về xã Tam Bình hôm nay, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự “thay da, đổi thịt” của một xã nông thôn mới (NTM). Ven những tuyến đường nhựa, đường dal nối liền các ấp là nhà tường khang trang, kiên cố.
Đó là thành quả vận dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sau 10 năm đưa Nghị quyết “Tam nông” đi vào cuộc sống của Đảng bộ, chính quyền xã Tam Bình.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Tam Bình phát huy tiềm năng kinh tế vườn. Toàn xã có hơn 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trên 86% diện tích đã được chuyển đổi thành vườn chuyên canh sầu riêng, vú sữa, sa pô…, với sản lượng thu hoạch mỗi năm hơn 50.000 tấn.
Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân chủ động thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản.
Cụ thể, đến nay xã đã thành lập được 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.
Trong đó, có 2 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 40 ha. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xã Tam Bình tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, nhất là lĩnh vực tiêu thụ, chế biến nông sản.
10 năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” đã thay đổi tư duy sản xuất của nông dân qua việc chủ động chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhạy bén xử lý mùa vụ.
Nhiều nông dân đã thành công nhờ linh hoạt trong phương thức làm ăn, điển hình như ông Phan Văn Mỹ (ấp Đông Hòa). Không như đa số nông dân chọn sầu riêng làm cây trồng chuyên canh, ông Mỹ vẫn duy trì 1 ha trồng sa pô Mehico của gia đình.
Tận dụng diện tích vườn cây, ông kinh doanh dịch vụ du lịch theo hình thức Homestay và nơi đây đã trở thành điểm dừng chân của nhiều đoàn du khách quốc tế khi đến tham quan miệt vườn Tam Bình.
Bên vườn cây xanh tốt, sai oằn trái, ông Mỹ chia sẻ: “Sau nhiều năm chuyên canh, tôi nhận thấy sa pô Mehico có ưu điểm trái to, vị ngọt và giá bán cao hơn so với những loại sa pô khác. Đây cũng là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho trái quanh năm. Nhờ kết hợp làm du lịch và làm vườn mà gia đình tôi đã ổn định hơn, với thu nhập mỗi năm gần 400 triệu đồng”.
2. Năm 2014, Tam Bình là xã đầu tiên ở huyện Cai Lậy đạt chuẩn NTM. Từ thành quả này, xã có thêm bước tiến nổi bật trong thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 6,1% (năm 2008) xuống còn 2,9% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người từ 9,2 triệu đồng/năm (năm 2008) đã tăng lên 51 triệu đồng/năm vào cuối năm 2018; 98% lao động trên địa bàn xã có việc làm thường xuyên, tỷ lệ lao động qua đào tạo 25,6%.
Giai đoạn năm 2008 - 2018, xã Tam Bình huy động trên 49,3 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp gần 19 tỷ đồng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư hoàn thiện phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, kết nối thông thương giữa xã Tam Bình và các xã lân cận.
Ông Phạm Văn Quẩn (ấp Bình Ninh) phấn khởi: “Diện mạo nông thôn của xã ngày nay chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi xã đạt chuẩn NTM. Nhờ được Nhà nước đầu tư đê bao khép kín, nâng cấp hệ thống giao thông mà người dân an tâm phát triển kinh tế vườn theo hướng chuyên canh. Vẫn là mảnh đất từ bao đời nay làm ăn sinh sống, nhưng nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên làm giàu”.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Tam Bình. Để có được kết quả này, công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết “Tam nông”, Chương trình hành động 21 của Huyện ủy Cai Lậy và Chương trình hành động 19 của Đảng ủy xã đã được xã thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hướng đến trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, phục vụ lợi ích của nông dân.
Cấp ủy, chính quyền xã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng NTM.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình Nguyễn Tấn Nhủ cho biết: “Thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, xã Tam Bình huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xã chú trọng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp, lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn - chất lượng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đồng thời, xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế tập thể và phong trào xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng xác định thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và kiểm tra” nên được nhân dân đồng thuận cao”.
Năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Bình vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong thực hiện Nghị quyết “Tam nông”. Trong chặng đường mới, xã Tam Bình sẽ tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời, xã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã để hoàn thành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
TRƯỜNG GIANG