Nhà báo cần phải "định vị" mình trên mạng xã hội
(ABO) Hiện nay, mạng xã hội (MXH) đã và đang tác động lớn đối với báo chí ở cả hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Trước sự tác động mạnh mẽ của MXH, đòi hỏi các nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp vững vàng khi sử dụng nguồn tin từ MXH.
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Hồng Lê |
Cùng với điện thoại thông minh (smartphone), trong những năm gần đây, các công cụ mạng xã hội (social network) dành cho cá nhân chia sẻ thông tin như Facebook, Google+, Twitter, Instagram, WhatsApp, Snapchat… trở thành hiện tượng trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu của trang ComScore (thông tin công nghệ), cứ 5 phút online, người dùng sẽ dành 1 phút cho MXH. Còn theo đánh giá của Facebook, người dùng trên toàn thế giới tiêu tốn đến 35 phút mỗi ngày để lướt Facebook, cứ 3 trong 4 phút truy cập MXH là để dành cho Facebook.
Không chỉ có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, vượt qua cả yếu tố kết nối đơn thuần, MXH đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp truyền bá thông tin. Rất nhiều tin tức lan truyền trên MXH trước khi chính thức có trên mặt báo, không ít bài báo có nguồn tin từ MXH.
Nhìn một cách tổng thể, MXH là một thế giới với đầy đủ tốt - xấu, sự thật và dối trá. MXH là một nguồn thông tin rất đa dạng, phong phú, liên tục được cập nhật và mọi người đều có thể tiếp cận ở bất cứ lúc nào.
Nếu xét về nguồn cung cấp thông tin, MXH sở hữu một đội ngũ khổng lồ, ở mọi ngõ ngách của cuộc sống mà không có bất cứ một cơ quan báo chí nào có thể sánh kịp.
Do đó, cần phải thấy rằng, người làm báo, nhất là các nhà báo không thể tách rời những diễn biến sôi động của MXH.
Thật vậy, hiện nay, có thể nói, 100% nhà báo đều tham gia MXH. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin từ MXH để đăng trên báo chính thống là rất ít.
Nhà báo tác nghiệp. |
Tại Hội thảo “Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội” diễn ra tại tỉnh Long An mới đây, trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh Huỳnh Thanh Nam cho biết: “Đối với nhà báo, nguồn tin rất quan trọng. Theo kết quả của một cuộc khảo sát, 50% nhà báo cho biết từng trích dẫn nguồn từ MXH.
Tuy nhiên, các nhà báo cũng chỉ mới xem đây là một nguồn tin tham khảo thêm bên cạnh những thông tin chính thống. Sự e dè của họ xuất phát từ nhận thức về tình trạng tin giả, tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật và bị tác động bởi định kiến của tác giả nguồn tin trên MXH. Do vậy, mặc dù được xem là hữu ích và đa dạng, các nguồn tin trên MXH chỉ được sử dụng sau khi đã được kiểm chứng”.
MXH là một thế giới ảo, đôi lúc không thể biết được thông tin đó là giả hay thật. Có thể đó là những thông tin thật sự và thông tin tốt.
Tuy nhiên, khi một sự kiện xảy ra sẽ có rất nhiều thông tin đa chiều trên MXH, nếu nhà báo không xử lý tốt sẽ bị cuốn theo dòng thông tin đó và khó mà kiểm chứng được.
Yêu cầu kiểm chứng được đề cao, nhất là khi không có quá nhiều khác biệt giữa “nhà báo công dân” và nhà báo chính thống trong việc tiếp cận thông tin với điều kiện kỹ thuật và công nghệ như hiện nay.
Thậm chí, với một vấn đề cụ thể, công chúng có thể truy cập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các nguồn thông tin “không chính thống”.
Khi đó, chính độc giả cũng có thể đối chứng thông tin từ nhiều nguồn và mong muốn có được sự phản hồi và những tuyên bố chính thức từ các phương tiện truyền thông chính thống.
Do vậy, sự xuất hiện của MXH đã và đang tạo nên nhiều thách thức cho nhà báo và lãnh đạo các cơ quan truyền thông chính thống.
Trước tính chất “2 lưỡi” của MXH, các nhà báo khi tham gia vào MXH phải nhận diện được nguy cơ của môi trường số, từ đó có giải pháp bảo vệ bản thân và lợi ích của công chúng, lợi ích quốc gia, dân tộc khi đưa tin, đảm bảo đăng tải thông tin khách quan, đúng sự thật...
Quyền Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Nguyễn Hoàng Dung thì cho rằng: “Ngày nay, một nhà báo chơi Facebook, có thể có vài chục ngàn người theo dõi trở lên. Ở những trường hợp này, hiệu quả truyền thông đôi khi không kém gì một tờ báo. Tiếng nói của nhà báo, dù là một status, một comment cũng đủ tạo nên những giá trị riêng biệt. Vì thế, nhà báo cần phải “định vị” được mình trên MXH.
Ở một chừng mực nào đó, nhà báo còn là đại diện cho tiếng nói của cơ quan báo chí. Do đó, nhà báo phải luôn kìm nén cái tôi cá nhân để có những chuẩn mực khi thông tin trên MXH.
Nói đúng hơn, nhà báo khác với một người sử dụng MXH bình thường là phải cân nhắc được lợi ích thông tin trước những gì mình muốn đăng tải.
Nếu định vị được bản thân trên MXH, tiếng nói của mỗi nhà báo sẽ có giá trị riêng. Hơn nữa, bản thân nhà báo phải xác định mình là nguồn thông tin chính thống trên MXH.
Vì vậy, trong điều kiện có thể, nhà báo cũng nên tích cực tham gia vào việc phản biện các thông tin sai lệch trên MXH, đặc biệt là những thông tin làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh chính trị.
Ngoài ra, theo phân tích của nhiều nhà báo tại hội thảo, nhà báo cũng cần tuân thủ đầy đủ Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam (4 việc cần làm và 8 việc không được làm của người làm báo khi tham gia MXH) nhằm tạo niềm tin cho nhân dân và tăng uy tín của tờ báo.
HOÀI THU