Bước chuyển mình trên các xã cù lao
2 xã cù lao trên sông Tiền gồm Ngũ Hiệp và Tân Phong (huyện Cai Lậy) có lợi thế về điều kiện đất đai để phát huy thế mạnh vườn chuyên canh cây ăn trái. Định hướng cây trồng chủ lực và tập trung vận động nông dân chuyển đổi, tình hình kinh tế của 2 xã này đã có những bước phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và có thêm những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.
Trồng nhãn Ido theo mô hình VietGAP ở cù lao Tân Phong. |
NGŨ HIỆP: PHÁT HUY THẾ MẠNH CÂY TRỒNG CHỦ LỰC
Hơn nửa thế kỷ “bén duyên” trên vùng đất cù lao Ngũ Hiệp, cây sầu riêng đã phát triển và đưa vùng đất này trở thành “Vương quốc sầu riêng”. Ngay tại bến phà xã Ngũ Hiệp, những chuyến xe vận chuyển sầu riêng cứ xuôi ngược. Cặp theo các tuyến đường liên ấp của xã Ngũ Hiệp là những vườn sầu riêng xanh tốt nối tiếp nhau.
Toàn xã hiện có 1.531 ha vườn chuyên canh sầu riêng, chiếm hơn 98% diện tích đất nông nghiệp của xã. Những năm qua, xã đã tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động nông dân chuyển đổi các giống sầu riêng chất lượng cao, với sản lượng mỗi năm đạt gần 49.000 tấn.
Đặc biệt có nhiều nông dân nắm vững kỹ thuật xử lý cây ra hoa nghịch vụ và rải vụ “đón” giá nên đã rất thành công với việc trồng chuyên canh sầu riêng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nông dân Huỳnh Văn Phải (ấp Tân Sơn) cho biết: “Với lợi thế về thổ nhưỡng, cù lao Ngũ Hiệp rất phù hợp để phát triển diện tích sầu riêng. Đặc biệt là từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sầu riêng khổ qua sang phát huy thế mạnh vườn chuyên canh sầu riêng với các giống chất lượng cao như monthong, Ri6… nhiều hộ nông dân đã vươn lên khá giả”.
Ngũ Hiệp được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Hiện xã đang tập trung cho mục tiêu xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, Đảng ủy, UBND xã Ngũ Hiệp xác định phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển chuyên canh sầu riêng; nâng cao mức sống người dân, hướng đến mục tiêu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm và không còn hộ nghèo.
Xã cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thi đua lao động, sản xuất; nâng chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển sản xuất…
Với định hướng đúng đắn trong lãnh đạo phát triển kinh tế cùng sự năng động, nhạy bén và tinh thần cần cù lao động của người dân, tin rằng xã Ngũ Hiệp sẽ có thêm những đổi thay về diện mạo nông thôn.
TÂN PHONG: MỞ HƯỚNG CHO KINH TẾ VƯỜN
Cù lao Tân Phong được xem là vùng đất đai trù phú, với 1.352 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ chủ trương đa dạng hóa các loại cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất, kinh tế nông nghiệp của xã có những bước khởi sắc đáng kể. Hiện nay, hơn 98% diện tích đất nông nghiệp của xã Tân Phong đã được nông dân cải tạo thành vườn chuyên canh, xen canh sầu riêng, mít Thái, chôm chôm, nhãn Ido...
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, xã Tân Phong chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, phát huy thế mạnh vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã hiện có 7 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, 1 hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực sản xuất và mua bán trái cây.
Được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Tiền Giang, xã Tân Phong quy hoạch vùng sản xuất nhãn Ido và sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 33 ha. Thông qua tập huấn, nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, bảo quản, lập hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất...
Với 6 công vườn chuyên canh nhãn Ido tham gia mô hình VietGAP, ông Nguyễn Kim Đổng, nông dân ấp Tân Bường A cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, nhãn Ido trở thành cây trồng triển vọng ở cù lao Tân Phong do ưu điểm năng suất cao, ít sâu bệnh. Cùng với đó, hệ thống giao thông, thủy lợi của xã cũng được quan tâm đầu tư giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất. Hiện nay, với định hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn, chúng tôi hy vọng sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn chuyên canh”.
Năm 2019, xã Tân Phong được Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Cai Lậy chọn ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nỗ lực cho chặng đường về đích, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xã Tân Phong xác định tiếp tục phát huy lợi thế vườn chuyên canh, tạo “đòn bẩy” nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững…
TRƯỜNG GIANG