.

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà tử vong

Cập nhật: 20:42, 18/07/2019 (GMT+7)
Đại tá Đỗ Quang Mão – Chính Ủy Bệnh viện Quân y 105 cho biết, sáng nay 18-7, bệnh nhân Trần Bắc Hà (Cựu Chủ tịch BIDV) được đưa vào bệnh viện với diện “tử vong ngoại viện”. Bệnh viện không có can thiệp gì về vấn đề chuyên môn.
 
“6 giờ 30 sáng nay 18-7, sau khi được xác định là bệnh nhân đã thiệt mạng ngoại viện, chúng tôi đã tiến hành làm các thủ tục để bảo quản thi hài. Hiện thi hài bệnh nhân đang được bảo quản tại phòng lạnh, Nhà Tang lễ Bệnh viện Quân y 105. Việc tiếp theo thuộc lĩnh vực pháp y (nếu có)", Đại tá Đỗ Quang Mão thông tin.
 
a
Inforgraphic: HỮU VI
 
 Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Hà Tây (nay là Hà Nội), quê quán Hoài Ân, Bình Định.
 
Ông tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán. Năm 1981, ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
 
Ông có 35 năm công tác tại BIDV; Từng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam.
 
Trong suốt quá trình công tác tại BIDV, ông Trần Bắc Hà có 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.

 

a
Ông Trần Bắc Hà
Cựu Chủ tịch BIDV bị tạm giam trong quá trình Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV.
 
Cuối tháng 6-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà.
 
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Bắc Hà chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
 
Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà được cho là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
 
Cuối tháng 1-2018, tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm, mặc dù được HĐXX triệu tập 3 lần nhưng ông Trần Bắc Hà đều vắng mặt. Chủ tọa thông báo nhận được đơn của ông Trần Bắc Hà cho biết sức khỏe yếu, bị bệnh ung thư nên không thể tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
 
Ngày 29-11-2018, ông Trần Bắc Hà bị bắt và khởi tố với tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
 
Trao đổi với PV Báo SGGP về các biện pháp tố tụng đối với vụ án mà ông Trần Bắc Hà là bị can, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục người phạm tội ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. 
 
Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
 
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết thêm, trong giai đoạn điều tra, việc đình chỉ điều tra được quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Như vậy, đối với trường hợp của bị can Trần Bắc Hà, do bị can đã chết trong quá trình điều tra, trong khi đó căn cứ này không liên quan đến tất cả các bị can còn lại, do vậy chỉ đình chỉ riêng đối với bị can Trần Bắc Hà.
 
Các bị can còn lại vẫn tiếp tục bị điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.

 

(Theo sggp.org.vn)

 
.
.
.