.
CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN TỈNH:

Nhiều mô hình hỗ trợ nông dân

Cập nhật: 08:11, 25/08/2019 (GMT+7)

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ sự đổi mới này đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao đời sống.

Theo đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tích cực thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đạt trên 65 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương ủy thác đang thực hiện 24 dự án cho 577 hộ vay với số tiền trên 14,7 tỷ đồng; vốn tỉnh quản lý hiện đang thực hiện 34 dự án cho 817 hộ vay với số tiền trên 15 tỷ đồng; vốn huyện, xã quản lý hiện đang thực hiện cho 8.324 hộ vay với số tiền trên 29,9 tỷ đồng.

Vốn vay được các cán bộ, hội viên nông dân đầu tư cho các dự án trồng trọt và chăm sóc vườn với các loại cây trồng như: Bưởi, xoài, sầu riêng, mãng cầu Xiêm, chanh… chiếm khoảng 31,03%; còn lại chủ yếu là các dự án chăn nuôi bò, dê, heo sinh sản… chiếm khoảng 68,97% các dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ vốn thực hiện các dự án đã tạo niềm tin cho cho cán bộ, hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, tăng thu  nhập gia đình. 

Thông qua các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân tỉnh, nhiều hội viên nông dân đã phát triển kinh tế vườn hiệu quả. Ảnh: QUẾ NGÂN
Thông qua các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân tỉnh, nhiều hội viên nông dân đã phát triển kinh tế vườn hiệu quả. Ảnh: QUẾ NGÂN

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Định kỳ hằng tháng các Ban Quản lý dự án duy trì sinh hoạt để các hộ vay vốn trao đổi, học tập, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm... Các cấp Hội lấy lợi ích kinh tế làm động lực và thực hiện theo phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân” để tập hợp nông dân vào Hội; nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện văn bản liên ngành giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hội viên nông dân.

Tính đến nay tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên 1.000 tỷ đồng với trên 52.000 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, căn cứ thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, toàn tỉnh có 10/11 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện đã ký Thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp.

Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng là trên 2.084 tỷ đồng với 43.569 hộ vay vốn. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành giải ngân cho 20 hộ với số tiền 500 triệu đồng để nông dân chăm sóc cây sầu riêng; đồng thời, giải ngân 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ dự án trồng sả cho 50 hộ là hội viên nông dân xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông), với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ…

Cùng với việc từng bước tạo điều kiện về vốn, các cấp Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, hội thảo gần 2.000 cuộc với trên 58.000 lượt nông dân tham dự, trong đó có 5.877 lượt hộ nghèo là nông dân tham dự. Qua đó, nông dân được hướng dẫn chăm sóc và phòng trị sâu, bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...

MAI THẢO

.
.
.