Dịch tả heo Châu phi: Chủ động phòng ngừa, hạn chế dịch xâm nhập
Tất cả hộ nuôi heo từ quy mô nhỏ đến trang trại lớn đều đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi. Mọi công tác phòng, chống đều được triển khai khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một sơ suất nhỏ cũng khiến cho đàn heo của mình nhiễm bệnh và phải tiêu hủy toàn bộ.
Người dân rải vôi trong khu vực trang trại để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. |
KHÔNG NGƯỜI LẠ NÀO CÓ THỂ TIẾP XÚC
Trong thời gian qua, đi từ những con đường lớn đến các ngõ, ngách, chúng ta dễ dàng nhận biết những hộ nào có nuôi heo. Vôi rải trắng xóa từ cổng rào cho đến tận chuồng. Nhiều trang trại lớn có hố nước được xử lý thuốc sát trùng ngay sau cổng trang trại. Cổng nhà, trang trại nuôi heo đều “cửa đóng, then cài”.
Dù là chỗ thân quen, nhưng chúng tôi muốn tiếp xúc với trang trại nuôi heo quy mô lớn của ông Nguyễn Trần Tường Bá (ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo) cũng không được. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề vào trại để hỏi thăm tình hình đàn heo của gia đình, ông từ chối thẳng thừng. Từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở khu vực phía Nam, trang trại heo của ông Bá áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Theo tìm hiểu, trang trại của ông Bá có trên 150 con heo nái, 500 con heo thịt, trên 500 con heo sau cai sữa. Nhờ áp dụng biện pháp nghiêm ngặt, cùng với việc chăm sóc kỹ nên đàn heo của ông Bá vẫn khỏe mạnh. Nhiều công ty chuyên mua bán thịt heo lớn ở TP. Hồ Chí Minh liên hệ đặt mua heo của ông mỗi ngày nên trang trại không đủ đáp ứng.
Từ huyện Chợ Gạo đến huyện Gò Công Tây, rất nhiều hộ nuôi heo rải vôi từ ngoài cổng đến chuồng nuôi. Nhưng khi ngỏ ý xin vào chụp ảnh thì chủ nhà từ chối. Bà Nguyễn Thị Huệ (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) nuôi 3 con heo nái, 8 con heo thịt cho biết, mấy ngày qua dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn nên gia đình rất lo lắng. Nếu xảy ra dịch sẽ rất khó khăn, nên gia đình tìm mọi cách để bảo vệ đàn heo của mình.
Phát biểu trong cuộc họp mới đây, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Quốc Hiếu cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát vận chuyển tại các chốt kiểm dịch, theo dõi việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại chốt kiểm dịch ở Quốc lộ 50; hướng dẫn, giám sát các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi thường xuyên; khuyến cáo các chợ, cơ sở thu gom, cơ sở giết mổ heo sau mỗi ca hoạt động nên sát trùng, tiêu độc; xử lý nhanh gọn các ổ dịch phát sinh, tránh lây lan; xử lý chôn, đốt heo bệnh để không ô nhiễm môi trường; khuyến cáo hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, nâng cao thể trạng đàn heo, giảm bớt đàn nếu có thể và tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc; khuyến cáo không nên tái đàn trong thời gian này cho đến khi tình hình ổn định…
Lúc này, ý thức phòng, chống dịch của người nuôi là rất quan trọng. Bởi, Nhà nước có hỗ trợ gì đi nữa nhưng người chăn nuôi không quan tâm thì công tác phòng, chống dịch sẽ không đạt hiệu quả.
SƠ SUẤT LÀ NHIỄM BỆNH
Trong thời gian qua, dịch tả heo châu Phi đã lây lan nhanh trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng. Nguyên nhân gây ra loại bệnh này đến nay chưa có cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận chính thức. Tuy nhiên, theo một số cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh, chỉ cần sơ suất nhỏ là đàn heo sẽ bị nhiễm bệnh dịch này.
Trang trại 30-4 thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang đã phải tiêu hủy gần như tổng đàn 3.763 con, với khối lượng khoảng 250 tấn do nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Trang trại 30-4 vốn có tiếng là nơi nuôi heo theo kiểu an toàn sinh học, mọi hoạt động ra vào đều được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do một sơ suất nhỏ, cả đàn heo trong trang trại đều phải bị tiêu hủy. Lãnh đạo trang trại 30-4 tâm sự: “Sau khi nghe thông tin dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng, lãnh đạo công ty yêu cầu lãnh đạo trang trại và nhân viên của công ty phải túc trực 24/24 giờ, không ra vào trang trại tùy tiện. Sau khi xuất hiện bệnh ở những con heo đầu, lãnh đạo có hỏi thăm một số anh em trong trang trại thì được biết có 1 nhân viên nuôi heo ở gia đình bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Sau khi lãnh đạo trang trại yêu cầu tất cả phải túc trực trong trang trại thì nhân viên này cũng có mặt. Không lâu sau, đàn heo của trang trại đã xảy ra dịch”.
Mới đây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến kể: “Một trang trại nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, chủ trại và nhân viên đều “cấm trại” 24/24 giờ trong trại. Khi có nhu cầu ra ngoài, người đó phải qua nhiều lớp thuốc sát trùng. Thương lái mua heo chỉ được nhìn qua hình ảnh đàn heo trên chiếc điện thoại rồi cho giá. Kết thúc giá, chủ trang trại chuyển heo ra cổng và cân ngoài đó. Tuy nhiên, trong trang trại có mấy chậu kiểng, người chủ đã dùng mô tơ bơm hút nước dưới kinh lên tưới. Nước trong các chậu tràn ra đường đi, nhân viên giẫm đạp và mang vào phía trong trại. Thế là đàn heo trong trang trại đều bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy”.
Ngoài những yếu tố trên, Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng cho biết, nguyên nhân dẫn đến một đàn heo trên địa bàn thành phố nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi là do đàn chim sáo. Chủ của đàn heo này cũng phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi từ ngoài cổng vào bên trong chuồng. Chủ nuôi không cho người lạ tiếp xúc với khu chuồng nuôi. Trước khi dịch xảy ra trên đàn heo của mình, chủ phát hiện có đàn chim sáo bay đến và đậu ăn thức ăn thừa của heo. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến dịch.
Hay trường hợp trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Tấn Nghiệp (ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) nuôi theo kiểu an toàn sinh học. Trước khi trang trại heo xảy ra dịch, gần đó một trại nuôi heo đã nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy. Do số lượng heo của trại đó nhiều nên ngành chức năng phải tiêu hủy 2 ngày mới hết heo. Ban đêm, trang trại của ông Nghiệp có vài con mèo vào khu vực chuồng trại. Ông Nghiệp cho biết, nguyên nhân chính có thể do mèo mang mầm bệnh từ chuồng trại gần bên qua trang trại của ông. Mặc dù chuồng nuôi trong trang trại luôn giăng mùng cho heo nhưng người nuôi qua lại cho heo ăn, tắm heo nên mang luôn mầm bệnh đến gần với các con heo. Từ đó, mầm bệnh lây lan và phát tán nhanh.
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh còn rất mập mờ, nhưng sự chủ động phòng ngừa của người nuôi sẽ góp phần hạn chế được dịch xâm nhập.
SĨ NGUYÊN