Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Quyết tâm "về đích" đúng tiến độ
Sau nhiều khó khăn vướng mắc, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã bắt nhịp “vào guồng”. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư đang nỗ lực đảm bảo tiến độ để dự án không “lỗi hẹn” với người dân Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điểm nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. |
Bài 1: 10 năm và những khó khăn
Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) được khởi công năm 2009 trong sự phấn khởi của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, vì nhiều lý do sau 10 năm, Dự án vẫn còn dang dở.
THĂNG TRẦM
Ngày 29-11-2009, Dự án đã được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV khởi công, nhưng sau đó do khó khăn về vốn đầu tư nên Dự án bị đình trệ. Hơn 5 năm sau, đầu năm 2015, Dự án được khởi động lại và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, bao gồm 6 nhà đầu tư: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty cổ phần Hoàng An và Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII.
Sau đó, các nhà đầu tư đã thống nhất lập ra Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án - DNDA) để thực hiện Dự án. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý, công tác thu xếp vốn, lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ kỹ thuật… đều triển khai khá chậm do vướng nhiều vấn đề.
Theo DNDA, Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư lại vào ngày 31-10-2014, với tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè). Theo thiết kế, Dự án có tổng chiều dài 51,1 km, đi qua TX. Cai Lậy và các huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước. Dự án là một trong những trục đường trọng tâm của quốc gia nối TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. |
Cụ thể, năm 2017, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phê duyệt điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư giảm còn 9.669 tỷ đồng (giảm tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng), nhưng lại tăng quy mô đầu tư. Lãi suất vốn vay là 7,82%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất thực tế của các ngân hàng (dao động từ 10,5% - 11%/năm).
Sự chênh lệch lãi suất như trên dẫn đến nhà đầu tư không có khả năng thu hồi vốn, gây rủi ro cho ngân hàng nên chưa đảm bảo điều kiện giải ngân vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, việc giao nhà đầu tư khai thác và thu giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương vướng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, do đó cần phải xem xét điều chỉnh lại phương thức hỗ trợ của Nhà nước đối với Dự án.
Ngoài ra, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh, thành viên trong liên doanh nhà đầu tư có liên quan đến nhiều vụ án hình sự nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên liên quan của Dự án. Do đó, các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư trên và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.
BƯỚC NGOẶT
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Dự án, ngày 22-3-2019, Bộ GTVT tổ chức Lễ ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng của Dự án.
Sau khi nhận trọng trách, UBND tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực tiếp cận công việc, chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; phê duyệt điều chỉnh Dự án tại Quyết định 2463 ngày 2-8-2019, trong đó cập nhật các nội dung thay đổi và khắc phục được tồn tại trước đây như: Đơn giá vật liệu theo thông báo giá của địa phương phù hợp; điều chỉnh lãi suất vốn vay; điều chỉnh liên doanh nhà đầu tư; điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian thi công…
Trên công trường đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: M.Thành |
Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã làm việc với các cơ quan chức năng bao gồm: Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế để rà soát các tồn tại trước đây của Dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh. Trong đó, có điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với Thông tư 88/2018 của Bộ Tài chính.
Trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về năng lực của các nhà đầu tư, Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất cơ cấu lại nhà đầu tư/cổ đông của DNDA.
Theo đó, loại bỏ các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần Hoàng An, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, còn lại 3 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T.
Ngoài ra, nhà đầu tư đã góp và huy động vào Dự án 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.542 tỷ đồng, vốn huy động khác 924 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ Dự án theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ. Về nguồn vốn tín dụng, DNDA đã đề nghị các ngân hàng thẩm định lại song song với quá trình phê duyệt Dự án.
Theo đó, DNDA đề nghị ngân hàng tài trợ vốn thống nhất cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào ngày 2-8-2019; xem xét Phụ lục hợp đồng Dự án sau khi điều chỉnh, khả năng ghi vốn và giải ngân vốn ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở đó để xác định việc thu xếp cho vay; đồng thời, tháo gỡ các điều kiện cho vay không phù hợp khi thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng.
DNDA cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để hỗ trợ Dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
D.S - P.A - M.T
(còn tiếp)