Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang:
Nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân
Cập nhật: 16:50, 20/09/2019 (GMT+7)
(ABO) Sáng 20-9, tại Tiền Giang, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Tọa đàm Khảo sát xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân” và Nghị quyết về “xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại”.
Đến dự và chủ trì buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Phụ trách phía Nam Phạm Minh Hùng; Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nông dân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 12.500 lao động nông thôn, mở 87 lớp dạy nghề ở 21 xã xây dựng nông thôn mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo cho gần 1.500 lao động với hơn 4 tỷ đồng. Qua kết quả khảo sát đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp lớp học nghề sau 1 năm, có khoảng 85% lao động nông thôn có việc làm.
Hiện dư nợ cho vay của tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý trên 2.000 tỷ đồng, thông qua 1.028 tổ vay vốn, có 48.833 thành viên tham gia. Tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh hiện nay là 0,2%; tỷ lệ thu lãi hàng tháng đạt trên 80%.
Sau 2 năm thành lập, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã mở gần 50 lớp nghề ngắn hạn và cấp chứng chỉ cho trên 1.600 học viên nông dân, các nghề chủ yếu như: Chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật trồng cây kiểng…
Các đại biểu tham gia phát biểu. |
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay, toàn tỉnh có 449.997 hộ/451.846 hộ gia đình xây dựng Gia đình văn hóa; 1.002/1.025 ấp, khu phố văn hóa; 120/173 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh.
Trong nhiệm kỳ qua (2013 - 2018), các cấp Hội trong tỉnh đã vận động 4.320 hộ hiến đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, hơn 23.600 ngày công lao động; tham gia làm mới, sửa chữa đường giao thông, kiên cố hóa kinh mương nội đồng…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề ra nhiều giải pháp thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân trong thời gian tới được hiệu quả hơn.
Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Hội đến với cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng thời, tích cực tổ chức đào tạo nghề, hướng dẫn hội viên nông dân liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, gắn với hỗ trợ vốn, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật cho hội viên nông dân; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
VĂN THẢO