.
Thượng tọa Thích Đức Thiện:

Theo Luật Phật thì sư Toàn không có quyền sở hữu tài sản

Cập nhật: 21:47, 09/10/2019 (GMT+7)
Ngày 9-10, trao đổi với báo chí, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội  Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết sư Toàn không có quyền sở hữu tài sản, tài sản tại chùa đều do tăng đoàn quản lý.
 
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhận được báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo (BTSPG) tỉnh Vĩnh Phúc về buổi họp có sự hiện diện của sư Toàn, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (HĐTS) có Văn bản số 275 ngày 4-10-2019 chỉ đạo BTSPG Vĩnh Phúc tiến hành kỷ luật sư Toàn.

Vị sư này vi phạm về đạo hạnh, về giới luật, Phật chế, vi phạm Hiến chương của GHPGVN, vi phạm những quy định pháp luật của Nhà nước về trật tự xây dựng, nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt bằng tiền, BTSPG huyện Tam Đảo cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn sai phạm.

Sau công văn của HĐTS tiến hành xem xét kỷ luật sư Toàn, khi đó BTSPG Vĩnh Phúc nhận được tờ trình xin hoàn tục. Bởi, chính thầy Toàn cũng nhận thấy mình không xứng đáng là người xuất gia, làm ảnh hưởng đến chư tăng và hình ảnh GHPGVN. Sau đó, BTSPG tỉnh có quyết định thu hồi chức trụ trì chùa Nga Hoàng của sư Toàn. Trong đó yêu cầu Ban Tăng sự của BTSPG tỉnh tiến hành nghi thức xả giới cho hoàn tục theo đúng luật Phật chế. Đó là hình thức kỷ luật thầy Toàn.
 
Xung quanh vấn đề sở hữu tài sản 300 tỷ đồng, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói: “Về sự việc này, TƯGH đã chỉ đạo BTSPG Vĩnh Phúc: Thứ nhất là phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản như sư Toàn nói và có hay không tài sản như thầy phát ngôn. Con người thầy Toàn theo báo cáo của Đại đức Thích Thanh Phương là Trưởng BTSPG huyện Tam Đảo thì thầy Toàn phát ngôn nhiều khi không đúng, như người mộng du và Đại đức Phương nói không tin thầy Toàn có tài sản như thầy phát ngôn. GH cũng đã đề nghị các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp làm rõ nguồn gốc tài sản, có hay không có giá trị tài sản như thầy Toàn phát ngôn”.
 
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, GHPGVN cũng đã liên hệ trực tiếp với Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp với BTSPG tỉnh sớm làm rõ vấn đề này. Chúng tôi nhận được báo cáo rất nhanh là hiện nay thầy Toàn đang đứng tên hơn 6.000m² đất mà thầy tự mua ở xung quanh chùa Nga Hoàng. Nguồn gốc đất này là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Tuy nhiên chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai.
 
“Dù có đúng hay không đúng theo Luật Đất đai, sở hữu tài sản của thầy Toàn, theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì mình đang sử dụng (ở đây Luật Phật không nhấn mạnh đến sở hữu tài sản mà nói đến sử dụng tài sản) thì những tài sản đó đều thuộc về tăng (chúng ta phải hiểu đây là Tăng đoàn), là GH và đến khi vị tỳ kheo chết đi, cái được coi là tài sản trên mình là 3 tấm y cà sa cũng phải chuyển lại cho tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định. Y cứ theo Luật Phật thì sư Toàn không có quyền sở hữu tài sản”, Thượng tọa nhắc lại.
 
Căn cứ theo Hiến chương GHPGVN, tài sản thuộc về GH, chùa, tự viện, cơ sở tôn giáo là tài sản của giáo hội và căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự TƯ thì GH mới có quyền định đoạt tài sản thuộc cơ sở tự viện. Nội quy Ban Tăng sự TƯ cũng quy định rất rõ là nếu khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện tức thuộc Tăng. Ví dụ trước khi thầy Toàn được bổ nhiệm trụ trì, thầy Toàn có một khối tài sản nào đó tôi không biết, nhưng sau khi được bổ nhiệm trụ trì, thầy Toàn sở hữu cho mục đích của cơ sở tự viện đó thì tài sản thuộc về Tăng đoàn, thuộc về giáo hội và giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
 
Do vậy cho nên thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản và cái việc mà thầy có thể lý luận do công đức cá nhân thì tôi đã nói rồi, cá nhân thuộc về Tăng đoàn, mà tài sản đó nếu thầy không còn là hiện diện của Tăng đoàn, của Tam bảo, thì không được nhận. Ví dụ bố mẹ thầy Toàn có một tài sản hợp pháp và phân chia theo thừa kế của gia đình, thì chỉ đúng với Luật Dân sự, không đúng với Luật Phật vì Luật Phật có quy định “cắt ái từ thân”, có nhận cũng thuộc về Tăng đoàn chứ không phải sở hữu cá nhân.
 
Do vậy dù thế nào thì thầy Toàn cũng không có quyền khẳng định đó là tài sản của mình và không được phép nhận lại tài sản mà quyết định tối cao là giáo hội, giáo hội có quyền định đoạt tài sản. Cho nên căn cứ theo Luật Phật, căn cứ theo Hiến chương, căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự trung ương thì thầy Toàn không được quyền nhận lại tài sản. Việc đề nghị là việc của thầy còn quyết định là việc của giáo hội.
 
“Giáo hội sẽ làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc buộc sư Toàn phải thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể hiện nay, về cơ bản tôi nắm được thì thầy Toàn chỉ có 2 tài sản mà chúng ta thấy được là hơn 6.000m² đất thì GH đã trao đổi với Ban Tôn giáo tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và địa phương đã có quyết định thu hồi đất đó. Hiện nay thầy hoang tưởng trong khối tài sản mấy nghìn mét vuông đất mà nói thế chứ không có gì cả”, Thượng tọa nói.
 
Đây là một câu chuyện không chỉ buồn mà rất buồn nhưng đó cũng chỉ là thiểu số. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, thời gian tới, giáo hội sẽ siết chặt hơn nữa vấn đề đầu vào đặc biệt là xin xuất gia nhập tu để tăng chất lượng ở chỗ xem xét về mặt lý lịch, tâm nguyện một cách sâu hơn, kéo dài thời gian thử tu, thử thách. Xã hội hiện nay phát triển, việc cấm túc trong chùa hiện nay không hề đơn giản, đồng thời nhu cầu của xã hội về đời sống tâm linh tôn giáo cũng rất cao. Nên việc các chùa thiếu chư tăng cũng rất nhiều. Ở Việt Nam, mỗi thôn một chùa, có thôn tới 2 chùa. Chùa nào cũng mong có sư thầy. Sự vội vã đó cũng chính là nguyên nhân làm giảm đi chất lượng, nảy sinh những vấn đề về đạo hạnh. Phía giáo hội phải xử lý theo Luật Phật chế.
 
Theo sggp.org.vn
.
.
.