.

Xói lở và sạt lở bờ sông ở ĐBSCL tăng gấp 7 lần trong vòng 10 năm.

Cập nhật: 20:45, 26/11/2019 (GMT+7)
Số liệu trên vừa được đưa ra tại Hội thảo: “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL” vào sáng ngày 26-11, tại tỉnh An Giang.
 
Theo ông Huỳnh Công Hoài, Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - đại diện nhóm nghiên cứu về xói lở bở sông: ĐBSCL được hình thành do phù sa sông Mê kông bồi đắp nên có cấu tạo địa chất rất yếu và dễ bị tổn thương trước bất kỳ tác động nào của tự nhiên hay con người. 
 
“Chính vì vậy, trong các kịch bản biến đổi khí hậu đều xác định ĐBSCL là vùng chịu tác động lớn nhất. Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng gia tăng, mà cụ thể, nếu năm 2010 ĐBSCL có 99 điểm xói lở và sạt lở bờ, thì đến năm 2019 đã tăng lên 681 điểm, tức tăng gần gấp 7 lần so với 2010 (tăng 582 điểm)" - ông Hoài cho biết.
 
Theo ông Hoài, với con số xói lở và sạt lở bờ sông như nêu trên đồng nghĩa mỗi năm vùng ĐBSCL có thêm khoảng 60 điểm mới được ghi nhận, đây là một con số rất đáng báo động.
 
a
Một điểm sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn-TP.Cần Thơ.
Đại diện đến từ các địa phương cũng cho biết, từ năm 2018 đến nay đã  xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, điển hình như vụ sạt lở ở Vàm Nao thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; sạt lở quốc lộ 91 qua huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; sạt lở bờ sông Ô Môn, bờ sông Cái Sắn-TP. Cần Thơ…Mới đây nhất là vụ sạt lở công trình đường tuần tra biên giới thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Vụ việc khiến cả một đoạn đường tuần tra biên giới đang thi công và một phần cầu Chắc Rè sụp xuống sông.
 
Theo ông Huỳnh Công Hoài, ngoài nguyên nhân tầng đất yếu thì khai thác cát quá mức cũng là nguyên nhân chính làm thay đổi do dòng chảy và triều; thiếu hụt bùn cát đáy sông và chất tải trên bờ sông đã làm cho sạt lở bờ sông nhanh hơn.
 
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Dương Hồng Sơn chỉ ra nguyên nhân sâu xa đáng lo ngại là do tác động của hồ chứa đập thủy điện ở thượng lưu là rất lớn, lượng phù sa về bồ đắp cho ĐBSCL sụt giảm. Trong khi đó, việc phát triển khu dân cư dọc bờ sông ngày càng tăng, làm tăng tải trọng nén lên bờ sông. Chính vì vây, theo khuyến nghị của ông Sơn, cần xem xét giảm tải bờ sông (thực tế đã có nhiều căn nhà kiên cố ven sông bị chìm nghỉm xuống sông chỉ sau một đêm).
 
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cũng nêu lên cảnh báo, khi quy hoạch các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê kông được xây dựng, thì lòng sông Tiền, sông Hậu sẽ thiếu trằm trọng phù sa, cát bồi đắp. Nếu chúng ta cứ tiếp tục khai thác cát một cách “vô tội vạ” thì phải “hy sinh” ĐBSCL.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.