.

Giải pháp an toàn nào cho phụ nữ và trẻ em?

Cập nhật: 16:49, 22/12/2019 (GMT+7)

Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) và xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, với xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Do đó, việc tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phụ nữ và trẻ em là hết sức cần thiết.

Liên hoan tuyên truyền phòng, chống  BLGĐ  và giáo dục  cha mẹ  trong  chăm sóc,  bảo vệ trẻ em năm 2019.
Liên hoan tuyên truyền phòng, chống BLGĐ và giáo dục cha mẹ trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em năm 2019.

THỰC TRẠNG

Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ (2008 - 2018) của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh ghi nhận 3.840 vụ BLGĐ được góp ý tại cộng đồng dân cư và sau góp ý có 2.993 vụ ổn định; có 2.834 vụ BLGĐ được hòa giải tại cơ sở. Số nạn nhân BLGĐ được tư vấn, giúp đỡ là 1.843 người và đưa đến cơ sở hỗ trợ là 543 người. Có 1 vụ BLGĐ phải áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; xử phạt vi phạm hành chính 219 vụ BLGĐ.

Đối với vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em, theo số liệu thống kê của cơ quan Công an và Tòa án nhân dân Tiền Giang, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em (196 nữ, 5 nam) bị xâm hại, trong đó có 10 trẻ bị bạo lực, 181 trẻ bị xâm hại tình dục, 10 trẻ bị các hình thức gây tổn hại khác (bị cướp tài sản). Trong các vụ xâm hại, có 7 trẻ em bị tử vong, 11 trẻ em bị thương tật, 33 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục, 14 trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại tình dục, 150 trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại.

GIẢI PHÁP

Mặc dù thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất nạn BLGĐ, những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ nhỏ nhưng nạn BLGĐ, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, để giảm thiểu BLGĐ, xâm hại trẻ em, thời gian tới, các cấp Hội LHPN của tỉnh sẽ có kế hoạch phối hợp các ngành tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống, hướng dẫn thành viên gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc cung cấp, chia sẻ các thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Phổ biến quy định của pháp luật và hướng dẫn việc phòng, chống bóc lột trẻ em, không sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật, nhất là trong các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phổ biến quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột…

Cùng với đó, các cấp, ngành, đoàn thể tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em kết nối với các dịch vụ bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, thông báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp, xử lý thông tin kịp thời giữa địa phương với Tổng đài 111 trong việc xác minh, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em và người thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn triệt để nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, lãnh đạo các ngành đề xuất, trước hết cần củng cố vai trò của luật pháp. Luật pháp hiện nay còn tương đối nặng về giáo dục mà chưa có những biện pháp thiết thực, vô tình dung túng cho tội phạm. Bởi vậy, cần có những giải pháp cụ thể, nghiêm khắc với những kẻ phạm tội, những đơn vị chậm xử lý vụ việc, xử lý chưa đúng người đúng tội, xử lý oan sai, bao che tội phạm.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử các vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Phát huy thế mạnh của truyền thông trong việc tố giác và lên án tội phạm. Tuyên truyền, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho người dân để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Cộng đồng xã hội cần thay đổi thái độ đối với nạn nhân, không kỳ thị, xa lánh, kiên quyết phát hiện, tố giác tội phạm.

Cùng với đó, cần có những giải pháp về y tế phối hợp với công tác xã hội như mời các chuyên gia, nhà xã hội học, công tác xã hội tham gia tòa án xét xử các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em. Ðồng thời, xây dựng môi trường xã hội trong sạch và thực hiện nghiêm túc chuẩn mực mới về lối sống văn hóa kết hợp với bình đẳng giới, chống tệ nạn xã hội, chống văn hóa phẩm đồi trụy là biện pháp cơ bản và bền vững nhất để chống xâm hại, bạo hành trẻ em.

PHƯƠNG MAI

.
.
.