Hướng mới cho du lịch biển?
Tiềm năng du lịch biển còn rất lớn. Ảnh: Trần Liêm |
Hướng đi mới cho du lịch ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã và đang được đặt ra nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế hiện hữu cũng như nâng tầm du lịch biển trong bản đồ du lịch chung của cả nước.
1. Nhờ lợi thế ven biển, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có nhiều lợi thế để tận dụng và khai thác kinh tế du lịch ven biển. Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh cho biết, huyện có hơn 18 km bờ biển với nhiều chủng loài thủy, hải sản, gió biển trong lành. Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn, nguyên sinh, nối với Cồn Ngang, Lũy Pháo đài (huyện Tân Phú Đông)… có thể kết nối du lịch sinh thái vườn và biển. Chưa kể, Khu du lịch biển Tân Thành gần các khu công nghiệp Gò Công và cách Cảng biển Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) 28 km, Vũng Tàu 35 km (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu công nghiệp Bình Đại (tỉnh Bến Tre) 8 km đã thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Hiện nay, Quốc lộ 50 (TP. Hồ Chí Minh - Gò Công) được nâng cấp, cầu Mỹ Lợi và tỉnh lộ 871B hoàn thành, du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Khu du lịch biển Tân Thành rất thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Hiện tại, Khu du lịch biển Tân Thành đã có 1 dự án được triển khai với diện tích gần 12 ha do Công ty TNHH Một thành viên Vạn Bình An làm chủ đầu tư, cơ bản đã hoàn chỉnh các hạng mục và đưa vào hoạt động. “Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, khách đến tham quan biển Tân Thành đạt 87.300 lượt khách, tăng 10.200 lượt khách so với năm 2017. Khách du lịch đến với huyện Gò Công Đông đi về trong ngày, theo mùa và định kỳ lễ hội”- đồng chí Lưu Thị Hồng Anh cho biết.
Dù có lợi thế nhưng du lịch biển Gò Công Đông không thể đứng riêng lẻ, mà cần được kết nối với các lễ hội, làng nghề. Theo đồng chí Lưu Thị Hồng Anh, trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện, ngoài khai thác du lịch sinh thái biển Tân Thành, huyện còn kết nối với du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, vườn cây sinh thái. Bởi huyện Gò Công Đông hiện có nhiều làng nghề truyền thống như: Khảm ốc xà cừ, tranh kiếng, củ cải muối, dệt chiếu, chế biến cá khô, các loại mắm. Huyện Gò Công Đông còn có Lễ hội Nghinh Ông tại Lăng Ông Nam Hải thị trấn Vàm Láng, Lễ hội Nghinh Ông xã Tân Phước, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải ấp Cây Bàng, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải ấp Đèn Đỏ xã Tân Thành, Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định… Bên cạnh đó, huyện còn có những cánh đồng bạt ngàn, những vườn cây trĩu quả, đặc biệt, nổi tiếng với vườn sơ ri ở 3 xã Tân Đông, Bình Nghị, Bình Ân. Trái sơ ri được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ hương sắc mà không vùng đất nào có thể sánh được; bên cạnh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mãng cầu trái tròn, dưa hấu biển…
Cùng với Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông cũng có những nét tương đồng. Liên quan đến du lịch biển, hiện nay ở khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), Công ty TNHH Một thành viên Chung Gia Huy đang đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái với quy mô 17 ha, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch biển tỉnh nhà phát triển. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đang tính toán kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện gắn với các di tích, vườn cây trái; đặc biệt là tính toán phương án thu hút đầu tư, khai thác du lịch tại Cồn Ngang.
2. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điểm chung của du lịch biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng là phát triển còn chậm. Đặc biệt, do nằm ở các cửa sông nên đặc trưng của biển ở khu vực miền Tây là nước không trong. Chính vì vậy, du lịch biển ở tỉnh chưa tạo được lợi thế. Muốn du lịch biển khởi sắc đòi hỏi phải có thời gian. Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch, các cấp, các ngành sẽ chung tay đưa du lịch biển ngày càng phát triển. Để thúc đẩy du lịch biển phát triển, tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang xây dựng lại bờ kè, chỉnh trang cầu tàu; tạo điều kiện để xây dựng các hạng mục thu hút khách du lịch. Theo quy hoạch phát triển du lịch, Khu du lịch biển Tân Thành có diện tích 80 ha, hiện cũng đã có doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác. Trong chặng đường sắp tới, tỉnh đang lập quy hoạch để phát triển Khu du lịch Cồn Ngang với diện tích 150 ha.
Nhìn nhận từ thực tế phải nói rằng, cầu Mỹ Lợi được đưa vào sử dụng đã tạo nên lợi thế lớn trong phát triển kinh tế tỉnh nhà nói chung và du lịch biển nói riêng. Giao thông được kết nối góp phần tạo nên sức bật cho du lịch. Việc còn lại là đầu tư hướng phát triển để khai thác tiềm năng. Có thể nói, để du lịch biển ở tỉnh phát triển, bên cạnh việc đầu tư, công tác quảng bá cũng hết sức quan trọng. Mới đây nhất trong bộ phim điện ảnh, bãi biển Tân Thành, Tân Điền được chọn làm bối cảnh và tạo nên sự ngỡ ngàng cho khán giả màn ảnh nhỏ với vẻ đẹp hoang sơ, bình dị.
Từ thực tế đó, du lịch biển của tỉnh cần được đầu tư đúng mức, biến những thách thức thành lợi thế. Thời gian qua, để thu hút khách du lịch đến với biển Tân Thành, ngành Du lịch tỉnh đã kết nối các địa điểm như nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công với biển Tân Thành. Hiện nay, tiềm năng du lịch biển Tân Thành còn rất lớn, tuy nhiên vẫn còn thiếu sự đầu tư từ các doanh nghiệp để nâng cao sức hút. Trong thời gian tới, ngoài việc quảng bá theo cách truyền thống, ngành Du lịch sẽ sử dụng công nghệ, đưa điểm du lịch biển Tân Thành vào bản đồ số để quảng bá du lịch biển.
Tuy nhiên, để mở ra một hướng mới cho du lịch biển Tân Thành nói riêng và khu vực ven biển Gò Công nói chung, đồng chí Lưu Thị Hồng Anh kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết và có chính sách thu hút các doanh nghiệp lữ hành để kết nối các điểm du lịch ở khu vực Gò Công. Ngoài ra, huyện Gò Công Đông cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang quan tâm sửa chữa lại cầu ra biển, xây dựng lại bờ kè đoạn do Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang quản lý, xây dựng lại Trung tâm Thông tin công tác du lịch đã xuống cấp…
NHÓM PVKT