Sức sống mới ở các xã bãi ngang
Công trình đưa nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm về huyện Tân Phú Đông góp phần khắc phục tình trạng khó khăn về n |
Từ xuất phát điểm thấp, điều kiện sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Tiền Giang đã chuyển mình đi lên nhờ triển khai đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ Trung ương và địa phương.
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Tiền Giang có 11 xã. Đó là các xã Bình Xuân, Bình Đông (TX. Gò Công); Gia Thuận, Kiểng Phước, Phước Trung (huyện Gò Công Đông); Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Tân, Tân Thạnh, Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) và huyện Tân Phú Đông được công nhận là huyện đặc biệt khó khăn. Cơ chế quản lý, nội dung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo này được thực hiện theo quy định tại Quyết định 1722 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài chính sách hỗ trợ hộ nghèo chung, các xã vùng bãi ngang ven biển và huyện khó khăn của tỉnh được đầu tư từ Trung ương và địa phương theo Chương trình 30a với nhiều dự án thành phần. Trong đó, Dự án 1 Chương trình 30a, có 4 tiểu dự án được triển khai.
Nội dung hỗ trợ gồm xây dựng đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã và hệ thống giao thông trên địa bàn xã; xây dựng công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã gồm trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao xã, thôn, bản, ấp; công trình y tế đạt chuẩn; công trình giáo dục đạt chuẩn; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi… Tiểu dự án 2 là hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Mục tiêu là tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nội dung hỗ trợ gồm đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Tiểu dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tiểu dự án 4 hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Tân Phú Đông là huyện đặc biệt khó khăn. Sau 11 năm thành lập, nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện so với các năm trước đó. Đó là đường tỉnh 877B dài 32 km cùng hệ thống cầu trên toàn tuyến được đầu tư nâng cấp; 18 km đường huyện đã được láng nhựa, 68 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc trải vật liệu rắn. Các bến phà, đò được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao năng lực hoạt động để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong huyện và các vùng lân cận góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện từng bước phát triển.
Cùng với đó, điện lưới quốc gia đã bao phủ trên toàn địa bàn huyện và hiện có 100% hộ dân sử dụng điện, trong đó có hơn 95% hộ dùng điện kế chính. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, với 7 điểm trường (gần 50 phòng học) đầu tư xây mới, nâng toàn huyện có 38 điểm trường, trong đó có 7 điểm được xây theo chuẩn quốc gia, tạo điều kiện phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập. Đặc biệt, công trình Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông được xây dựng với quy mô 50 giường bệnh. Hiện tại, có trên 94% hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh và trên 83% hộ sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ từ Trung ương đối với các xã vùng bãi ngang ven biển đạt tiến độ và đúng mục tiêu đề ra. Đối với Dự án 1 của Chương trình 30a, tỉnh triển khai 4 tiểu dự án. Trong đó, Tiểu dự án 1, ngân sách Trung ương bố trí 40 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện nghèo và 2,5 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp để duy tu sửa chữa các công trình đã bị xuống cấp. UBND huyện Tân Phú Đông làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện 11 công trình chuyển tiếp với kinh phí 548 triệu đồng; 13 công trình khởi công mới, với kinh phí hơn 39 tỷ đồng.
Tiểu dự án 2, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, ngân sách Trung ương bố trí hơn 13 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và 840 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp để duy tu bảo dưỡng các công trình. UBND các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện 31 công trình, trong đó đầu tư mới 11 công trình và 20 công trình chuyển tiếp.
Tiểu dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí được bố trí trên 8 tỷ đồng, huyện Tân Phú Đông được phân bổ 4,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp; 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh được ngân sách Trung ương bố trí 3,3 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2019, với 521 hộ nghèo, cận nghèo tham gia các dự án, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Đối với Tiểu dự án 4, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ngân sách Trung ương bố trí 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, các địa phương đang tổ chức hoạt động tạo nguồn xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, để hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngân sách đã cấp bảo hiểm y tế cho 91.275 người dân là thành viên theo hộ gia đình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với kinh phí gần 46,6 tỷ đồng.
THỦY HÀ