.

Việt Nam đạt nhiều thành công trong chính sách dân số

Cập nhật: 11:44, 25/12/2019 (GMT+7)

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được Tổng cục Thống kê công bố, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 15 trên thế giới.

Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).

Trong 10 năm qua, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi.
Trong 10 năm qua, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi.

Việt Nam hiện có trên 26.870.000 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009.

Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á; Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là 2 vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng 132 người/km2 và 107 người/km2.

Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn 100,4 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, tỷ số giới tính cao nhất là ở nhóm từ 0 - 4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ).

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.

Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, đạt 98,8%. Kết quả này đã vượt mục tiêu về đăng ký khai sinh của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 (mục tiêu đến năm 2020 có 97% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).

Tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm. Đặc biệt, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở Việt Nam là 3,7%.

Tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con ở Việt Nam là phổ biến. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). TP. Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái).

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng 2 thập kỷ qua. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 14 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999. Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca/100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi.

Trong 10 năm qua, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng nhất, với tỷ lệ đi học chung 72,3% và tỷ lệ đi học đúng tuổi 68,3%. Hơn 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (36,5%), tăng gần 2 lần so với năm 2009 (20,8%)…

Điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư cũng được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới thắp sáng là 99,4%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 97,4%; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh (hố xí tự hoại và bán tự hoại) là 88,9%; có 91,9% hộ có sử dụng ti vi, 91,7% hộ có sử dụng điện thoại (cố định, di động) hoặc máy tính bảng, 30,7% hộ có sử dụng máy vi tính. Ngoài các thiết bị sinh hoạt nghe, nhìn, các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ dân cư sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2009.

Tổng kết lại, 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân. Quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước.

Trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh; tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Sức khỏe của người dân đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ người khuyết tật giảm; tuổi thọ của người dân tăng cao; tỷ suất chết của trẻ em và tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh.

Vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm mạnh; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao.

MAI HÀ

.
.
.