.

Điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật: 06:58, 07/01/2020 (GMT+7)

Năm 2019, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang có rất nhiều nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG)”các cấp, trong đó nổi bật có anh Huỳnh Trung Thuận (sinh năm 1962), hội viên Hội Nông dân xã Đồng Sơn. Anh Thuận là người đã nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm và áp dụng thành công mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả sang cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thuận cho biết, trước đây, gia đình anh có 6,5 công đất trồng lúa 3 vụ/năm. Nhưng do ruộng lúa nhà anh thuộc vùng trũng, hay bị nhiễm phèn, mặn nên cho năng suất thấp cộng với giá cả bấp bênh làm cho gia đình anh có thu nhập không ổn định, đời sống khó khăn.

Do đó, khi có chủ trương của Nhà nước khuyến khích chuyển đổi mục đích và cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là diện tích sản xuất kém hiệu quả như khu vực cuối nguồn của xã Đồng Sơn; đồng thời, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện Gò Công Tây, trong đó có UBND và Hội Nông dân xã Đồng Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long.

Đặc biệt là qua thực tiễn tham quan các mô hình trồng thanh long hiệu quả của huyện Chợ Gạo và tỉnh Long An, anh Thuận mạnh dạn chuyển đổi 6,5 công đất ruộng trồng lúa sang trồng cây thanh long ruột đỏ với gần 1.000 trụ thanh long.

Để trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, anh Thuận đã mày mò tự nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thực tế từ các nhà vườn trồng thanh long về kỹ thuật xông đèn để xử lý cây thanh long cho trái nghịch vụ cả 4 mùa trong năm. Đến nay, vườn thanh long của gia đình anh Thuận cho thu hoạch ổn định, với năng suất bình quân mỗi năm từ 15 - 20 tấn và giá bán trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Anh Thuận cho biết, ngoài việc chăm sóc vườn thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, anh còn đăng ký và vận động nhiều hộ trồng thanh long khác tham gia vào Hợp tác xã Thanh long Đồng Sơn để vừa đảm bảo đầu ra với giá ổn định, nâng cao thu nhập gia đình, vừa góp phần quảng bá và nâng cao chuỗi giá trị cây thanh long trên địa bàn xã Đồng Sơn.

Có thể nói, với sự cần cù, siêng năng, ham học hỏi, anh Thuận đã trở thành một trong những điển hình NDSXKDG của xã Đồng Sơn nói riêng và huyện Gò Công Tây nói chung đã thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Theo dự định của anh Thuận, sắp tới anh sẽ tìm hiểu thêm nhu cầu thị trường về thanh long ruột trắng và thanh long vỏ vàng để có thể trồng thêm 2 loại cây thanh long này, phát triển kinh tế gia đình. 

KIM LAN

.
.
.