.

Các huyện, thị phía Đông: Thắc thỏm nỗi lo sạt lở

Cập nhật: 15:17, 02/03/2020 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Những ngày qua, bên cạnh chống chọi với hạn, xâm nhập mặn, các huyện, thị phía Đông còn đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch. Các điểm sạt lở xuất hiện ngày càng nhiều, gây tâm lý bất an cho người dân.

Tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở các huyện, thị phía Đông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở các huyện, thị phía Đông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.

SẠT LỞ DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo Sở Xây dựng, qua khảo sát tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn các huyện, thị phía Đông, xã Bình Xuân (TX. Gò Công) có 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng. Còn tại khu vực phường 1 (TX. Gò Công), dọc theo sông Gò Công, có nhiều nhà ở nằm sát bờ sông, một số nhà xuất hiện tình trạng lún, nứt; 2 hộ có công trình phụ xây dựng sát bờ sông đã bị sạt lở, sụp đổ. Tại thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông), 1 hộ dân có nhà phụ nằm sát bờ sông đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TX. Gò Công, qua khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn, đến ngày 27-2, các xã, phường bị ảnh hưởng gồm: Phường 1 có 11 hộ, xã Long Thuận 5 hộ, xã Tân Trung 6 hộ, xã Bình Xuân 5 hộ.

Ghi nhận tại khu vực xã Bình Xuân, trên đường tỉnh 873 (đoạn qua ấp 1) xuất hiện đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 50 m, chiều sâu sạt lở tính từ mặt đường đến đáy hố 8 m, gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Bên cạnh điểm sạt lở này, dọc theo tuyến sông Rầm Vé cũng xuất hiện một đoạn sạt lở dài khoảng 450 m gây chia cắt giao thông.

Bà Trần Thị Ba (ấp 1, xã Bình Xuân) sinh sống cặp sông Rầm Vé cho biết, ngày 25-2, con đường dân sinh cặp sông Rầm Vé trước cửa nhà bà bất ngờ đổ ập xuống sông, vết rạn nứt lấn đến sân nhà.

Theo bà Ba, trước khi đổ ập xuống sông, đoạn đường này đã xuất hiện tình trạng rạn nứt. Bà Ba chia sẻ: “Sống hơn 50 năm tại khu vực này, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sạt lở nghiêm trọng như vậy. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình tôi rất sợ, do đó đã nhanh chống mua cây về gia cố đoạn sạt lở”.

Trong các điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh, dọc theo tuyến kinh 14 là nơi xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhất.

Tại cầu Kinh 14 (Km 5+516) trên đường tỉnh 872 (thuộc địa bàn ấp Thới An A, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) bị sạt lở một đoạn bờ đất dài khoảng hơn 15 m dọc theo kinh, ăn sâu vào đất liền khoảng 4 - 5 m, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của công trình cầu, an toàn giao thông.

Ngoài ra, còn một số vị trí sạt lở cục bộ khác dọc kinh. Chị Hằng (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) có nhà gần khu vực sạt lở cho biết, trước khi bị sạt lở, đoạn đường này đã xuất hiện rạn nứt. Sau đó, đoạn đường hơn 40 m bất ngờ đổ sập xuống kinh 14.

Theo chị Hằng, đoạn đường bị sạt lở dẫn đến việc đi lại rất khó khăn. Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành xử lý điểm sạt lở này.

KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC

Theo Sở Xây dựng, hiện mực nước trên các sông, kinh ở khu vực phía Đông của tỉnh thấp, cạn kiệt. Đất tại các khu vực ven bờ sông, kinh đã bị mất nước dẫn đến kết cấu bị phá vỡ gây sạt lở nghiêm trọng. Mực nước sông, kinh tại các khu vực bị sạt lở xuống rất thấp so với mực nước trung bình hằng năm (xuống thấp khoảng 2,5 m) và chênh lệch độ cao mặt đất so với mực nước sông hiện tại khoảng 4,5 m.

Tình hình sạt lở bờ sông, kinh mang tính chất bất thường, ảnh hưởng nhiều đến điều kiện sống của các hộ dân ven bờ sông, hạ tầng giao thông công cộng. Theo nhận định, mùa khô còn dài, người dân tiếp tục lấy nước sông, kinh để tưới cây trồng nên có thể tình hình sạt lở sẽ chưa dừng lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, hiện trên địa bàn huyện xuất hiện một số điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch, trong đó chủ yếu xảy ra dọc tuyến kinh 14. Trước mắt, địa phương tạo lối đi tạm cho người dân, phục vụ xe máy đi lại; đồng thời, hướng dẫn người dân đi những lối khác.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), để khắc phục tình trạng sạt lở trên đường tỉnh 873, trước mắt đơn vị đã phối hợp với địa phương mở đường tạm với chiều dài khoảng 150 m, chiều rộng mặt đường 3 m trải đá dăm cấp phối 0x4. Về giải pháp lâu dài, các ngành chức năng sẽ tiến hành xây dựng kè kiên cố tại vị trí đã sạt lở và lún nứt nền đường bằng kè bê tông cốt thép vững chắc để bảo vệ đường và nhà dân.

Hiện Sở GT-VT đã cùng với đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, kiểm tra để lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán khắc phục triệt để đoạn sạt lở, các vị trí có hiện tượng hư hỏng khác trên tuyến đường.

Đối với sạt lở bên mố B cầu kinh 14, Sở GT-VT đang chủ trì thực hiện đóng cừ bạch đàn, tràm, thả rọ đá để gia cố lại vị trí bị sạt lở nhằm ổn định mái bờ kinh 14 trước mố cầu.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện dọc tuyến kinh 14 (từ xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây đến TX. Gò Công) là khu vực bị sạt lở nặng nhất. Nguyên nhân là do nước dưới kinh cạn dẫn đến mất ổn định công trình và xảy ra tình trạng sạt lở.

Hiện công trình có một đoạn do tỉnh và một đoạn do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.

Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 đã khảo sát các vị trí sạt lở. Đối với các điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch khu vực phía Đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các ngành liên quan khảo sát để đề xuất giải pháp khắc phục.

Ý PHƯƠNG

.
.
.