.

Nhật ký trên mặt trận phòng, chống hạn, mặn phía Tây

Cập nhật: 10:43, 02/03/2020 (GMT+7)

Thực tế diễn biến xâm nhập mặn năm 2020 tại tỉnh Tiền Giang đã và đang diễn ra rất phức tạp, cao hơn dự báo, độ mặn tăng cao, xâm nhập sớm, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng của tỉnh từ 3 hướng: Cửa sông Tiền; sông Vàm Cỏ và đặc biệt là sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) độ mặn tăng đột biến lấn sang, làm ảnh hưởng từ TP. Mỹ Tho đến Mỹ Thuận và đã làm cho độ mặn chân triều tại cống Xuân Hòa cao.

Mặn lấn sâu vào đến kinh Nguyễn Văn Tiếp, nghiêm trọng nhất là đoạn từ vàm kinh Nguyễn Tấn Thành đến vàm Ba Rài. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất; cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo nước sản xuất cho vùng Dự án Bảo Định, vùng cây ăn trái các huyện phía Tây và đảm bảo nguồn nước cho Nhà máy nước Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức cung cấp đảm bảo số lượng và chất lượng nước sinh hoạt trong suốt mùa khô cho trên 800 ngàn dân của huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh, các đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành, rạch Ông Hổ, kinh Thuộc Nhiêu - Cầu Sao, rạch Bảo Định và đập Cầu Rượu trên kinh Sáu Ầu - Xoài Hột… đã được gấp rút thi công xong.

Đến ngày 21-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định tiến hành xả nước qua cống Bảo Định (từ ngày 22 đến ngày 24-2) để cải thiện độ mặn khu vực phía Tây kinh Chợ Bưng, phía Đông kinh Nguyễn Tấn Thành và từ sông Tiền đến kinh Nguyễn Văn Tiếp.

Qua 3 ngày xổ xả, nhìn chung độ mặn trên các kinh Nguyễn Tấn Thành, kinh Sáu Ầu - Xoài Hột (đoạn từ kinh Kháng Chiến đến Kinh III), kinh Bến Chùa - Chợ Bưng... đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, độ mặn trên kinh Sáu Ầu - Xoài Hột (đoạn từ phía Nam cầu Rượu đến cống Xoài Hột), trên kinh Bến Chùa - Chợ Bưng... vẫn còn cao.

Ngày 25-2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã đến thị sát độ mặn tại một số điểm, khu vực thuộc kinh Sáu Ầu - đoạn nối dài từ huyện Châu Thành đến huyện Tân Phước.

Tại đây, đồng chí Lê Văn Hưởng yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi độ mặn trên kinh Sáu Ầu; đồng thời, tiến hành triển khai ngay các giải pháp khả thi: Đóng những cống không cần thiết để điều tiết nguồn nước, đắp đập tạm ngăn mặn trên một số tuyến kinh nhằm tạo điều kiện ngăn, xổ xả, giảm độ mặn bên trong đập kinh Nguyễn Tấn Thành.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu đẩy nhanh nguồn nước ngọt về kinh Sáu Ầu (khu vực đặt trạm bơm), nhằm bổ cấp nguồn nước về Nhà máy nước Bình Đức, Nhà máy nước Đồng Tâm. Ngày 26-2, đồng chí Lê Văn Hưởng đến trực tiếp chỉ đạo giải pháp xả mặn tại cống Sáu Ầu - Xoài Hột.

Đồng chí đề nghị, trong thời gian xổ xả nước, chính quyền địa phương, nhân dân trong lưu vực có biện pháp giữ nước ngọt trên kinh, trên đồng; đồng thời, khai thông kinh, rạch đã nhiễm mặn ra các kinh trục để xổ xả đạt hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương, đơn vị quản lý cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi và đo độ mặn trong quá trình xổ xả.

Cũng trong ngày này, Sở NN&PTNT quyết định tiếp tục xả nước mặn qua cống Bảo Định và cống Xoài Hột (kể từ ngày 26-2) để sớm cải thiện chất lượng nguồn nước trong khu vực.

Ngày 29-2, Sở NN&PTNT cho biết, ngành đang tổ chức lắp đặt 20 máy bơm tại đập Nguyễn Tấn Thành để bơm nước mặn ra sông Tiền.

M.T

.
.
.